Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là về thương mại, đầu tư, Thái Lan mong muốn trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai nước hợp tác phát huy các lợi thế bổ sung cho nhau về kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Thái Lan Nikorndej Balankura tới chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Thủ tướng chúc mừng Đại sứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác, đóng góp tích cực phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan trong thời gian qua; mong rằng trên cương vị mới, Đại sứ sẽ tiếp tục quan tâm, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên gần 19 tỷ USD năm 2023.

Đặc biệt năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt giá trị 21,6 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD. Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.

Về đầu tư, tốc độ đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam luôn ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và hiện đứng thứ 9/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 715 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13,7 tỷ USD.

Trong đó, dự án hóa dầu miền Nam của tập đoàn SCG tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sắp hoàn thiện và khánh thành trong năm 2024, đây là một trong các dự án trọng điểm của các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị phía Thái Lan phối hợp chặt chẽ nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan và họp Nội các chung lần thứ 4 để trao đổi sâu rộng về các biện pháp tiếp tục phát huy hơn nữa nền tảng quan hệ tốt đẹp, tăng cường hợp tác song phương tốt hơn trên các lĩnh vực.

Thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng. Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường kết nối hạ tầng, nhất là giao thông, thương mại điện tử; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển xanh; chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác du lịch, nhất là mô hình "một cung đường nhiều điểm đến" kết nối 3 nước, 4 nước trong khu vực, kết nối con người, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác thể thao…

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Đồng thời, đề nghị Thái Lan ủng hộ và tham dự "Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm" do Việt Nam đăng cai tổ chức sắp diễn ra.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.