Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới tăng cao, nhu cầu xây dựng chậm lại, cạnh tranh gay gắt trong mảng vật liệu xây dựng là những thách thức mà Viglacera phải đối mặt trong năm nay.

Đối diện với nhiều áp lực tăng trưởng

SSI Research vừa có báo cáo phân tích về triển vọng kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán VGC) với nhận định, năm 2023 Viglacera phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu xây dựng chậm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ vật liệu xây dựng; cạnh tranh gay gắt trong ngành vật liệu xây dựng; tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp (KCN) mới.

Nhu cầu xây dựng chậm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ các mặt hàng gạch ốp lát, kính xây dựng của Viglacera

Theo đó, đơn vị này dự báo doanh thu thuần của Viglacera trong năm 2023 sẽ đạt 11.700 tỉ đồng, giảm 20% so với năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh tới 48%, ở mức 1.200 tỉ đồng, chủ yếu đến từ hai mảng là bất động sản và kính.

SSI Research dự báo doanh thu mảng kính xây dựng có thể đạt 1.800 tỉ đồng, giảm 40% so với năm 2022, chiếm 18% tổng doanh thu. Nguyên nhân là nhu cầu ở mức thấp và giá kính giảm 18% so với cùng kỳ. Tỉ suất lợi nhuận gộp mảng kính xây dựng dự kiến đạt 18,3% (năm 2022 là 37,8%).

Với mảng thiết bị vệ sinh, doanh thu bán hàng dự kiến giảm 9% so với năm 2022, ở mức 1.000 nghìn tỉ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu. Mức giảm này chủ yếu là do gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm khiến doanh thu thuần của Viglacera đi xuống. Tỉ suất lợi nhuận gộp dự kiến duy trì ở mức 30%, giảm 0,4% so với năm ngoái.

Doanh thu mảng gạch Granite và Ceramic dự kiến tăng 3,7%, đạt 2.900 tỉ đồng, chiếm 25,6% tổng doanh thu Viglacera nhờ nhu cầu xuất khẩu dự báo sẽ tăng. Tỉ suất lợi nhuận dự kiến đạt 18,1%, giảm 0,6% so với năm 2022.

Theo SSI Research, tăng trưởng xuất khẩu mảng gạch Granite và Ceramic chủ yếu nhờ giá bán cạnh tranh và sản phẩm đa dạng. Trong khi đó, doanh thu nội địa giảm nhẹ do sản phẩm phân khúc trung cấp của Viglacera chiếm tỉ trọng cao, phân khúc ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng các dự án khu dân cư bị sụt giảm như hiện nay.

Đối với mảng bất động sản KCN của Viglaceradự báo đạt 2.700 tỉ đồng, giảm 11,9% so với năm ngoái và chiếm 23% tổng doanh thu. Tổng diện tích cho thuê KCN dự kiến trong năm nay đạt 130 ha, giảm 11%. Trong đó, 35 ha từ KCN Yên Phong IIC, 20 ha sẽ được Geleximco dự kiến thuê tại KCN Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và 60 ha cho nhà máy sản xuất xe điện tại KCN Phú Hà.

Hiện tại, Viglacera đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.210 ha, tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Về dài hạn, doanh nghiệp này có thể duy trì tỉ suất lợi nhuận cao từ diện tích đất KCN cho thuê với hơn 740 ha từ nhiều khách hàng lớn như Samsung, Accor, BYD...

Về doanh thu nhà ở thương mại, SSI Research dự báo mảng này có thể đạt 100 tỉ đồng trong năm nay nhờ doanh số 1.500 tỉ đồng từ dự án Đặng Xá 2 đã được ghi nhận trong năm 2022.

Sẽ đẩy mạnh đầu tư mảng kính xây dựng

Về kế hoạch đầu tư phát triển thời gian tới, Viglacera xác định các trụ cột đó là mảng bất động sản và vật liệu xây dựng, trong đó sản xuất kính mang tính chiến lược dài hơi.

Viglacera sẽ đẩy mạnh đầu tư mảng kính xây dựng thời gian tới

Lãnh đạo Viglacera cho biết, năm 2022 mảng kính xây dựng có kết quả kinh doanh tốt, do thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 nên các chi phí vận tải, nhập khẩu trong lĩnh vực kính nặng, chi phí lớn, nên hàng nhập khẩu không về được. Một điểm nữa là vì dịch Covid nên nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” trong nhà máy, đã đáp ứng được nguồn cung cho thị trường… dẫn đến tăng trưởng tốt.

Năm 2023, đầu ra của lĩnh vực kính bị ảnh hưởng bởi bất động sản trầm lắng, tiêu thụ chậm nhưng vẫn phải sản xuất. Tuy nhiên, Viglacera vẫn khẳng định sản xuất kính là một trong những lĩnh vực chủ lực, nên sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trong thời gian tới.

“Sản xuất kính không chỉ cho ngành xây dựng, mà còn đáp ứng cho pin năng lượng mặt trời. Với thực tế tăng trưởng điện năng lượng lớn như hiện nay còn cần phải 6 nhà máy kính mới đáp ứng cho nhu cầu ngành này”, lãnh đạo Viglacera nhấn mạnh.

Doanh nghiệp này dự định triển khai đầu tư Nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung hoàn thành dây chuyền sản phẩm mới kích thước lớn Vasta stone nhằm đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với mảng sản xuất kính, dự kiến nhà máy kính Phú Mỹ sẽ ra sản phẩm kính nổi siêu trắng phục vụ cho pin năng lượng mặt trời trong năm nay. Thêm nữa, hiện Viglacera đang đàm phán với nhà máy kính Việt Nhật, mua lại cổ phần của nhà máy này để chuẩn bị kế hoạch cho tương lai.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.