CafeLand - Theo bản dự thảo Luật nhà ở sửa đổi trình lên Quốc hội vào cuối tháng 9 vừa qua, thay vì cả Việt kiều và người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà thì dự thảo lại quy định những đối tượng này phải đang học tập, làm việc hoặc sinh sống tại Việt Nam mới được sở hữu nhà. Điều kiện mới bổ sung này khiến cho không ít người hụt hẫng, thậm chí là thất vọng.

Trước đó, Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội đưa ra chủ trương cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Mục đích của chủ trương này là tháo gỡ nút thắt, khó khăn cho người nước ngoài mua nhà, đồng thời tạo ra nguồn lực lớn để kích thích phát triển bất động sản trong dài hạn, giúp xử lí hàng tồn kho bất động sản.

Một số ý kiến cho rằng việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế

Sau 6 năm triển khai kể từ mô hình thí điểm từ năm 2008, tính đến nay số lượng người nước ngoài sở hữu nhà mới dừng lại ở mức hơn 200 người trên tổng số hơn 80.000 người đang sống tại Việt Nam. Trong đó, cá nhân mua nhà chiếm đến 80% số người mua còn doanh nghiệp thì rất ít. Điều này chưa đạt được con số như mong muốn và kì vọng.

Mặt khác, sau thời kì khủng hoảng và đóng băng kéo dài, trong những tháng đầu năm 2014, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng đó chỉ ở phân khúc bình dân còn phân khúc cao cấp lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều.

Để giải quyết vấn đề trên, tại quy định của dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2014, các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà được nới lỏng hơn rất nhiều. Theo đó, Việt kiều và người nước ngoài cứ nhập cảnh vào Việt Nam là được mua nhà chỉ cần chuyển tiền thanh toán thông qua tài sản ở Việt Nam để tránh tình trạng rửa tiền. Dự thảo được nhiều người nước ngoài, doanh nghiệp cũng như chuyên gia đồng tình.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế, cũng giống như cách mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang làm.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng đây là dự luật đang rất được trông đợi và đã đến lúc mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Việc cho người nước người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà cũng sẽ tạo ra yếu tố thuận lợi để kích thích phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, có lợi cho nền kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ.

Ông Nam cũng nhấn mạnh điều này không chỉ cởi trói cho các doanh nghiệp trong nước mà hơn hết đó là một quyết định kịp thời để tận dụng cơ hội quý giá cho nền kinh tế.

Mặc dù được trông đợi là vậy nhưng trong bản dự thảo quyết định cuối cùng để trình lên Quốc hội thông qua vào cuối tháng 9/2014 vừa qua thì ý kiến trên đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung rõ điều kiện: đối với cá nhân người nước ngoài phải đang học tập, làm việc, hoặc sinh sống tại Việt Nam mới được mua nhà và giao Chính phủ quy định về số lượng căn hộ chung cư.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng bổ sung điều kiện mới có nghĩa là đã quay lại với luật cũ mà luật cũ thì rất thất bại rồi

Nhận định về việc bổ sung quy định mới này ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành trong một lần trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Tài chính kinh tế cho rằng quy định mới này trong bản Dự thảo chẳng khác gì điều kiện từng đưa ra trong luật cũ mà thực tế đã không hiệu quả.

"Nếu như vậy thì chúng ta đã quay lại với luật cũ mà luật cũ thì đã rất là thất bại rồi. Một năm chỉ có chừng mươi hai mươi người nước ngoài mua nhà thì cũng như không. Thôi thì thà ta đóng cửa cấm người nước ngoài mua nhà cho rồi", ông Đực nói.

Còn với tư cách là một người nước ngoài đang ở Việt Nam, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE lại tỏ ra bối rối và thất vọng vì ông đã rất mừng trước những thông tin nới lỏng trước đó nhưng giờ đây mọi việc dường như lại quay về sự siết chặt như luật cũ.

"Hiện giờ tôi cũng khá bối rối và thất vọng. Tôi hiểu hiện nay dân số Việt Nam rất đông mà đất đai thì không có nhiều nhưng vấn đề là chính phủ cần phải rõ ràng về việc cho phép hay không, cho phép đến đâu. Cho dù luật có thông qua thì tôi cũng không nghĩ là nhu cầu mua nhà tại Việt Nam sẽ tăng vọt. Điều quan trọng là quy định hợp lí và công bằng".

Nhận định về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ: "Chúng ta đang lo cái khó có thể xảy ra. Đây thực sự là lo ngại không cần thiết, vì chúng ta đang nắm đằng chuôi".

Hiện nay, dự thảo luật đang trong quá trình thảo luận, cho ý kiến và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 12 tới. Hiện tại, những băn khoăn trên của các doanh nghiệp và chuyên gia vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ còn kết quả cuối cùng như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.