Mặc dù dịch Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, nhưng những tập đoàn bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước vẫn âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về Việt Nam, và thời gian gần đây bắt đầu ra mắt những điểm bán mới quy mô lớn tại TP.HCM.
Cuối tháng 1 vừa qua, chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm mẹ và bé Con Cưng đã ra mắt trung tâm mua sắm Con Cưng Super Center tại tòa nhà cao 7 tầng với tổng diện tích 2.000 m2 tại quận 1, TP.HCM.
Doanh nghiệp này cho biết trong năm 2022, mỗi tháng sẽ khai trương một trung tâm Con Cưng Super Center, trước mắt sẽ mở tại các quận ở TP HCM, sau đó sẽ từng bước mở rộng hệ thống ra các thành phố lớn trên cả nước.
Tương tự như Con Cưng, nhiều thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước như Uniqlo, Muji, Thế Giới Di Động… đã mở nhiều điểm bán lớn, có quy mô lớn lên đến hàng ngàn mét vuông tại TP.HCM. Điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của thị trường bán lẻ Việt Nam dù thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng đáng kể trong hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều thương hiệu âm thầm săn mặt bằng có diện tích lớn tại TP.HCM
Chiến lược mở rộng quy mô cửa hàng và sự chú trọng đầu tư về trải nghiệm mua sắm của các thương hiệu bán lẻ cho thấy vai trò quan trọng của các cửa hàng trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, nhận định sức tiêu dùng nội địa Việt Nam đang trở nên ngày càng lớn và ổn định, trở thành miếng bánh tiềm năng đem lại doanh thu lớn cho một vài ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc mẹ & bé, thời trang thể thao, ẩm thực…
Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ phải mở rộng thêm chi nhánh, không gian trải nghiệm tại nhiều quận để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
“Trong thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, phụ kiện và đồ chuyên dụng thể thao ngoài trời… về Việt Nam, qua đó hứa hẹn sự phục hồi và vực dậy sức sống của thị trường trong năm 2022”, bà Quyên cho biết.
Nhiều thương hiệu quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam từ năm 2019, nhưng kế hoạch bị trì hoãn do ảnh hưởng từ Covid-19. Tuy nhiên, những thương hiệu này đang tái khởi động kế hoạch ra mắt sau khi các chuyến bay quốc tế được khai thác lại tại Việt Nam năm 2022.
Nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu đang âm thầm diễn ra, kéo theo thị trường thuê bất động sản thương mại dần sôi động hơn.
Những thương hiệu mới thường có yêu cầu cao về vị trí, mặt tiền, diện tích, khả năng trưng bày cho mặt bằng đầu tiên khi bước vào thị trường. Chính vì vậy, các mặt bằng tại quận trung tâm hoặc các trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng vẫn đang khan hiếm do có nhiều lợi thế về quy mô, uy tín của chủ đầu tư và có một lượng khách hàng trung thành ổn định.
“Các mô hình cửa hàng đa thương hiệu với quy mô diện tích từ 350-1.000 m2 dự kiến vẫn sẽ mở rộng nhờ vào khả năng đem đến một điểm đến tích hợp dịch vụ làm hài lòng khách mua sắm”, bà Quyên nói.
Theo báo cáo thị trường quý 4/2021 tại TP.HCM của Savills Việt Nam, khi các hoạt động kinh tế và thương mại mở cửa trở lại, các chủ cho thuê mặt bằng bán lẻ không còn áp dụng những chính sách hỗ trợ như giảm giá trực tiếp trên giá thuê hay giảm giá lên đến 50% trong tháng thuê đầu tiên.
Giá chào thuê trong quý cuối năm 2021 trung bình đạt 1.150.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, một số chủ cho thuê tại các khu vực ngoài trung tâm (đặc biệt là khu vực ngoại ô) vẫn áp dụng một số chính sách kích cầu bao gồm kéo dài thời gian thi công, không tính tiền thuê hoặc tiền phí dịch vụ trong thời gian thi công.
-
TP.HCM hé cửa, nhiều mặt bằng bán lẻ vẫn đóng
Sau thời gian dài giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch, TP.HCM đã hé cửa trở lại và nhiều cửa hàng bán lẻ đã hoạt động. Tuy nhiên, lượng mặt bằng bán lẻ "đợi chủ" vẫn còn nhiều.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.