19/12/2011 4:25 AM
Các ngân hàng Tây Ban Nha đang nắm giữ hàng tỷ euro đọng trong bất động sản (BĐS) mà những thứ hàng hóa này rất khó bán trong thời điểm hiện nay. Đó là mối hiểm họa thực sự với Tây Ban Nha khi cả Châu Âu đang đắm chìm trong khủng hoảng nợ công.
Tây Ban Nha: Hiểm họa từ ế đọng bất động sản

Tây Ban Nha chỉ có vài ngân hàng đủ mạnh để tồn tại qua đợt khó khăn này nhờ vào quy mô hoạt động lớn hơn, sản phẩm đa dạng và có đủ sức mạnh nội lực

Trong khi vấn đề nợ của các chính phủ Châu Âu đang xuất hiện hàng ngày trên tất cả các dòng tít lớn báo chí thì tình trạng hiểm nghèo của BĐS Tây Ban Nha có thể đặt ra vấn đề khó khăn lớn hơn với những người chủ nợ của đất nước này vì đang nắm giữ lượng nhà cửa, đất đai trị giá tới 30 tỷ euro (bằng 40 tỷ USD) chưa xây dựng, hoàn thiện xong và không có khả năng bán được.


Ngân hàng ra đi vì BĐS


Sự nguy hiểm này lan tỏa tới các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa có hoạt động kinh doanh 100% tại Tây Ban Nha và phát triển nhờ sự tăng trưởng của thị trường nhà đất. Theo đánh giá của Cty tư vấn rủi ro MaC Group thì tại Tây Ban Nha chỉ có vài ngân hàng đủ mạnh để tồn tại qua đợt khó khăn này nhờ vào quy mô hoạt động lớn hơn, sản phẩm đa dạng và có đủ sức mạnh nội lực như Banco Santader, Banco Bilbao Vizcaya Argrentina, La Caixa và Bankia. MaC Group cho rằng những ngân hàng nhỏ có thể sẽ phải ra đi trong đợt khó khăn này và chỉ còn 4 ngân hàng nêu trên trụ lại.


Năm ngoái, ngân hàng trung ương Tây Ban Nha đã siết chặt quy định buộc các ngân hàng phải tăng mức dự trữ so với các khoản nợ chưa trả và hiện đang gây sức ép buộc họ phải bán tài sản thay vì chờ thị trường BĐS phục hồi sau 4 năm suy giảm liên tiếp. Hiện tại, khối lượng BĐS còn đang tồn đọng trên thị trường Tây Ban Nha rất khó giải quyết hoặc có thể coi là không thể xử lý. Các ngân hàng là chủ đất đang ở trong tình trạng chơi vơi và nhiều dự báo nói rằng các khu bất động sản chưa hoàn thành sẽ cần thời gian tới hơn 40 năm nữa để bán hết. Khoảng 43% các căn nhà mới chưa bán nằm ở ngoại ô xa với trung tâm đô thị vì thế nếu tính tới sự gia tăng dân số ở những khu vực này thì sẽ không có nhu cầu mới về BĐS vào thời điểm hiện tại và thậm chí trong 10 năm tới.


Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng


Khoảng 12 ngân hàng Tây Ban Nha đã thất bại hoặc đã bị tác động từ làn sóng bùng nổ về BĐS năm 2008 kể từ khi khủng hoảng kinh tế kết thúc. Chi phí đối với những người đóng thuế trong việc xóa bỏ tất cả khoản nợ của ngành công nghiệp này đã lên tới 17,7 tỷ bảng Anh và lớn hơn nữa. Các ngân hàng có thể phải đối mặt với áp lực gia tăng về chính sách sau khi Đảng Nhân dân giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc gia ngày 20/11/2011. Lãnh đạo Đảng Nhân dân, ông Mariano Rajoy đã cam kết sẽ ưu tiên làm trong sạch và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.


Giá nhà đất ở Tây Ban Nha đã giảm trung bình 28% từ mức đỉnh cao tháng 4/2007 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm tới 15-20% trong năm hai đến ba năm tới. Thực tế Tây Ban Nha còn tới hơn 1 triệu căn nhà mới mà thị trường không thể mua hết cho đến tận năm 2017. Trang web bất động sản lớn nhất Tây Ban Nha là Idealista hiện đang rao bán tới 45.912 căn nhà thuộc sở hữu của các ngân hàng, cao hơn nhiều so với 29.334 căn nhà vào tháng 11/2010 trong khi năm 2008 họ không phải niêm yết căn nhà nào. Tuy nhiên, các ngân hàng đang phản đối việc thừa nhận quy mô của những khó khăn này.


Cty MaC Group nhận xét đang có một khoảng cách lớn giữa giá bán nhà do các ngân hàng làm chủ đưa ra và khả năng trả tiền mua BĐS của giới đầu tư, chưa kể đến những khu BĐS lớn đòi hỏi phải có người mua đủ năng lực mới có thể theo đuổi. Theo đó, giá bán nhà đất mới có thể phải giảm tới 30% nữa và riêng các khu đất đai lớn gồm cả khu nhà ở, khu thương mại, đất đai thì phải giảm tới 70%. Và khó khăn lớn đang xuất hiện ở đây: các ngân hàng đã phải chấp nhận khoản thua lỗ tới 30% nhưng nếu phải bán bất động sản ở mức giảm giá tới 70% thì các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ không thể giải quyết nổi khoản thua lỗ 40% tiếp và đó sẽ là nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế.
Theo Hoa Chi (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.