28/08/2023 1:03 PM
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng về không gian sống sinh thái sau những đợt giãn cách do Covid-19, nhiều người đã không ngại vay hàng tỷ đồng để đầu tư đất ven đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra khá phũ phàng khi nhiều lô đất được rao bán nửa năm trời vẫn không ai hỏi mua.

Ảnh minh hoạ

Cầm nhà để mua đất

Đại dịch Covid-19 những năm 2020-2021 có thể nói đã tạo nên một trào lưu mới về đầu tư bất động sản. Đó là những sản phẩm có không gian xanh, thư giãn, thoáng mát tại những khu vực cách thành phố 20 – 50km.

Điều này đã nhanh chóng khiến giá đất tại những nơi ven Hà Nội, TP.HCM tăng nóng. Vì không cưỡng lại sức hấp dẫn của giá đất thời điểm này, không ít người cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng lao vào cuộc chơi mà không biết lúc nào sẽ trở thành kẻ “cầm than nóng” cuối cùng.

Chia sẻ với PV, anh Trần Văn Thái, một nhà đầu tư không chuyên tại Hà Nội liên tục thở dài vì sốt ruột với khoản nợ ngân hàng gần 3 tỷ không biết bao giờ mới trả hết.

Đầu 2021, nắm bắt xu hướng của thị trường, anh Thái quyết tâm cầm sổ căn nhà 3 tầng vay 2,7 tỷ đồng, cùng với tiền tích cóp và mượn bạn bè để mua mảnh đất 4,8 tỷ, diện tích hơn 700m2 tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Sau đó vài tháng, mảnh đất này cũng có một vài nhóm đầu tư hỏi mua lại với giá nhỉnh hơn 5 tỷ. Tuy nhiên, vì tin rằng giá đất đang sốt nóng, mảnh đất của mình có thể sinh lời nhiều hơn nên anh Thái không bán, giữ lại chờ thời điểm thích hợp.

Điều bất ngờ xảy ra khi thị trường đảo chiều quá nhanh, bong bóng đất nền nhanh chóng “xì hơi” vào đầu năm 2022 khiến nhà đầu tư này “trở tay không kịp”.

Cầm cự đến tháng 12.2022, không gánh nổi lãi suất tăng cao, anh Thái phải chấp nhận rao bán mảnh đất trên với giá 4 tỷ. Thế nhưng cho đến nay, dù đã gửi gắm nhiều môi giới, lô đất của anh vẫn chưa thể bán được.

“Một vài người hỏi giá xong rồi không thấy liên lạc lại. Số ít cũng trả giá nhưng họ ép tôi giảm xuống còn 3,2 tỷ”, anh Thái cho biết.

Anh Võ Huy, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cũng đang bị “ngộp” khi mỗi tháng phải gánh hơn trăm triệu tiền lãi do bị kẹt nhiều lô đất tại Hoà Lạc, Thạch Thất.

Nhà đầu tư này cho biết, anh còn nhiều lô đất rải rác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Quốc… Những lô đất này vẫn có người trả chênh so với giá mua, nếu bán đi anh vẫn có thể tất toán khoản nợ nhưng anh lại không bán, chờ tăng giá thêm. Trong khi đó, các lô đất ven Hà Nội mà vợ chồng anh xuống tiền mua thời điểm cuối 2021 thì “đứng im” hoàn toàn, muốn bán phải cắt lỗ sâu 20 – 35%.

Được biết, để xoay xở khoản lãi trăm triệu mỗi tháng, gia đình anh phải thắt chặt chi tiêu tối đa, đồng thời vay mượn người thân để xoay vốn hoạt động cho công ty riêng. Các nhu cầu du lịch, mua sắm cũng bị cắt giảm hoàn toàn.

Thanh khoản vẫn khó cải thiện

Chị Trần Minh Trang, một môi giới bất động sản khu vực Hoài Đức, Hà Nội cho biết, giai đoạn này vẫn là thời điểm cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, điển hình như căn hộ, nhà phố. Các sản phẩm mang tính đầu cơ trong giai đoạn sốt nóng trước đây gần như không phải là ưu tiên lựa chọn. Nguyên nhân là do tâm lý nhà đầu tư vẫn đang quan sát, chờ đợi tín hiệu thị trường.

“Mặc dù bức tranh thị trường đã không còn ảm đạm so với quý đầu năm nhưng những dấu hiệu khởi sắc chưa thực sự rõ nét. Nhà đầu tư cũng khó nhận định được tiềm năng của sản phẩm đất nền nên rất khó thanh khoản. Lợi thế thị trường hiện nghiêng về người mua, nhất là với người mua sẵn tiền mặt, có chiến lược đầu tư lâu dài, rõ ràng”, chị Trang cho biết.

Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, trong quý 1 và quý 2 năm nay, các khu vực từng được xem là điểm nóng của thị trường đất nền ven đô Hà Nội như huyện Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… đã ghi nhận giá bán giảm so với quý 4.2022.

Nhận định về khả năng tăng giá của phân khúc đất nền trong tương lai, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, giá đất vẫn sẽ lên theo xu hướng trong bối cảnh “đất chật người đông” nhưng những “cú sốc giá” chắc chắn sẽ được kìm hãm bởi nhà đầu tư ngày càng khôn ngoan, họ sẽ không xem việc “chơi” đất đầu cơ là lựa chọn bền vững, lâu dài.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cũng cho rằng, thanh khoản đất ven đô sẽ khó cải thiện từ nay đến cuối năm do thị trường còn khó khăn, sức mua đa số đến từ phân khúc ở thực. Theo ông Đính, để thu hút người mua, thị trường sẽ xuất hiện nhiều thông tin cắt lỗ nhưng khảo sát thực tế cho thấy, mức giá sau cắt lỗ vẫn còn khá cao. Do đó, người mua nên cân nhắc và có sự tìm hiểu thật kỹ.

TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, thị trường những năm vừa qua đã tiềm ẩn nhiều bất thường. Thậm chí thị trường nửa đầu 2023 có những lúc còn xấu hơn kỳ ngủ đông 2012 – 2013, khi bất động sản đã giảm giá cũng không có giao dịch. Nhà đầu tư không dám xuống tiền. Những dự án giảm giá mạnh như dự án đất nền vùng ven vẫn không bán được, và tiếp tục ảm đạm đến quý 2.

Chuyên gia này cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư có thể mua đất ở những khu vực kết nối hạ tầng tốt, vị trí đẹp trong 3 năm tới để chờ đợi.

  • Lưu ý gì khi mua đất cắt lỗ tại khu vực vùng ven?

    Lưu ý gì khi mua đất cắt lỗ tại khu vực vùng ven?

    Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, không khó để tìm thấy các thông tin rao bán cắt lỗ đất nền. Đây là cơ hội cho những người có nhu cầu thực, song khi đầu tư nhà đất tại các khu dân cư hiện hữu thuộc những khu vực vùng ven, người dân cần lưu ý đến các vấn đề về quy hoạch, ngập lụt, ngập úng.

  • “Ôm đất” Đắk Lắk lúc đỉnh sóng, nhà đầu tư đang đỏ mắt tìm khách bán cắt lỗ

    “Ôm đất” Đắk Lắk lúc đỉnh sóng, nhà đầu tư đang đỏ mắt tìm khách bán cắt lỗ

    Nhiều nhà đầu tư mua đất nền, đất rẫy ở Đắk Lắk trong giai đoạn sốt nóng hiện đang chật vật tìm khách bán lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường gần như “đóng băng” hiện nay, các chủ đất không dễ tìm được người mua dù chấp nhận cắt lỗ sâu.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.