16/07/2023 5:13 PM
Nhiều nhà đầu tư mua đất nền, đất rẫy ở Đắk Lắk trong giai đoạn sốt nóng hiện đang chật vật tìm khách bán lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường gần như “đóng băng” hiện nay, các chủ đất không dễ tìm được người mua dù chấp nhận cắt lỗ sâu.

Nhà đầu tư cắt lỗ sau sốt đất ở Đắk Lắk

Giai đoạn 2020 – 2021, như nhiều địa phương trong cả nước, cơn sốt đất cũng quét qua nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm đó, dòng người đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM… đổ về săn lùng đất ráo riết.

Cùng với lực lượng môi giới địa phương, họ tạo nên một cảnh tượng mua bán đất sôi nổi chưa từng thấy. Giá đất từ TP. Buôn Ma Thuột cho đến các xã thuộc nhiều huyện như Cư M'gar, về Krông Pắc đến Krông Ana, Buôn Hồ, Cư Kuin… được đẩy lên cao gấp nhiều lần.

Chẳng hạn, ở huyện Cư M’gar, đất trồng cây lâu năm từ 60 triệu đồng/sào được đẩy lên 200 triệu đồng/sào. Ở thị trấn Ea Kar và Phước An, giá đất giao dịch bình quân cũng được rao bán nâng gấp 3 – 4 lần chỉ sau vài tháng. Đặc biệt, nhà đầu tư rất quan tâm tới những lô đất vườn, đất rẫy nằm gần sông suối, ao hồ.

Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột, tháng cuối năm 2021, trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận giải quyết gần 521 hồ sơ cho người dân. Con số này tăng gấp nhiều lần so với trước đó.

Tuy nhiên, khi cơn sốt đất hạ nhiệt từ giữa năm 2022 đến nay, giá nhà đất ở Đắk Lắk tụt giảm mạnh. Hiện nay, thị trường bất động sản gần như “đóng băng”. Nhiều nhà đầu tư “chậm chân” bị mắc kẹt đang buộc phải rao bán cắt lỗ để thu hồi vốn.

Ông Hòa, một nhà đầu tư cho biết, nhiều tháng nay đang tìm cách rao bán lô đất có diện tích 100m2 ở gần trung tâm huyện Cư Kuin nhưng mãi chẳng có người hỏi thăm. Ông Hòa mua lô đất này vào cuối năm 2021 với giá 1,3 tỉ đồng nhưng hiện đang phải cắt lỗ 400 triệu.

Một nhà đầu tư khác cũng đang ôm lô đất gần 10.000m2 tại xã Xã Ea H'ding, Cư M'gar được mua năm 2021 với giá 6 tỉ đồng. Hiện đang rao bán lại với giá giảm 1 tỉ nhưng không tìm được người mua.

Một môi giới bất động sản tại Đắk Lắk cho biết, so với cuối năm 2021, giá đất vườn, đất rẫy tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh từ 20 – 40% nhưng rất ít giao dịch được thực hiện.

Không chỉ các nhà đầu tư bị mắc kẹt, thị trường bất động sản trầm lắng cũng khiến cho ngân sách tỉnh Đắk Lắk thất thu. Trả lời trên báo VOV, ông Bùi Văn Yên – Giám đốc Sở Tài Chính Đắk Lắk cho biết, năm nay mục tiêu thu ngân sách tỉnh khoảng 10.100 tỉ đồng (tăng 1.000 tỉ đồng so với năm 2022), trong đó thu từ chuyển quyền sử dụng đất là 3.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh chỉ được 4.052 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Đắk Lắk không đấu giá một lô đất nào. Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu đất lớn gặp khó khăn. Trong khi, phân khúc đất nền, bán đất cho dân làm nhà vẫn có nhu cầu nhưng không còn sôi động như những năm trước.

Ông Tùng, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, cơn sốt đất ở Đắk Lắk trong giai đoạn 2020 – 2021 diễn ra theo đúng kịch bản như nhiều địa phương khác. Nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn đổ về ăn theo thông tin chưa rõ ràng vào quy hoạch dự án đô thị lớn, khu công nghiệp hay hạ tầng giao thông để thổi giá đất.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lô đất được sang tay nhiều người. Khi giá đạt đỉnh, những nhà đầu tư liền thoát sóng. Những người vào sau sẽ đu đỉnh và sau đó mắc kẹt khi thị trường thoái trào.

“Những người ôm đỉnh thường là những nhà đầu tư tay ngang, thiếu kinh nghiệm hoặc nạn nhân chính là những người dân địa phương lao theo cơn sốt đất khi thấy giá tăng mỗi ngày”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, hiện nay dù giá nhà đất tại Đắk Lắk đang giảm mạnh nhưng không có người mua là do nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, lãi suất biến động, niềm tin của người mua chưa trở lại.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhà đầu tư này tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Đắk Lắk. Địa phương này còn nhiều dư địa phát triển, TP. Buôn Ma Thuột là thành phố năng động, đang có tốc độ phát triển nhanh. Đắk Lắk có sự đa dạng về văn hoá, nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo phát triển du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm đề xuất các dự án đô thị lớn.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa vốn đầu tư 22.000 tỉ đồng vừa khởi công sẽ là động lực cho thị trường bất động sản khởi sắc trong thời gian tới.

  • Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang làm đến đâu?

    Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang làm đến đâu?

    Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk được khởi công từ ngày 18/6. Tuy nhiên, hiện tiến độ triển khai dự án đang bị chậm do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.