Tình trạng tín dụng đầu năm tăng trưởng âm đã không còn lặp lại trong những tháng đầu năm nay.
Dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,1% trong quý I/2017 và 19,12% cả năm
Từ những con số đẹp…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt xấp xỉ 2%, tương đương 5,01 triệu tỷ đồng. Con số này là khá bất ngờ nếu so với các năm trước, nhưng không quá đặc biệt ở thời điểm hiện tại, bởi tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tốt ngay từ những tháng đầu năm.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB thông tin, tính đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt 2%, tương đương 800-1.000 tỷ đồng, trong tổng dư nợ ước tính đến 31/12/2017 là 40.000 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 1/2017, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 4%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt.
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 2/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính đến 31/1/2017, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm, mức tăng trưởng trong tháng 1 tốt nhất trong 5 năm gần đây.
Xét theo cơ cấu tín dụng: thứ nhất, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014, trong đó tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, tín dụng trung-dài hạn chiếm 55%; thứ hai, cơ cấu tín dụng theo loại tiền: tín dụng VND tiếp tục chiếm hơn 91% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2016 chiếm 90,8%), tín dụng bằng VND tăng 1,6%, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,2% (cùng kỳ 2016 lần lượt là 1,1% và -3,5%).
“Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tính đến 31/1/2017 đạt khoảng 8,73 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% cuối năm 2016. Khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 61,5% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính”, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay.
Kết quả cuộc Điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa mới hoàn thành cho thấy, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,1% (VND: +4,29%; ngoại tệ: +4,52%) trong quý I/2017 so với quý trước; tăng 19,12% (VND: +20,19%; ngoại tệ: +10,01%) trong năm 2017.
… đến thực tế thị trường
Nhận định về việc tín dụng tăng trưởng khá tốt ngay từ đầu năm 2017, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, thực tế tăng trưởng tín dụng năm 2016 sẽ vượt con số 19,1% so với cuối năm 2015 nếu như NHNN không kiềm chế lại, không cho ký kết và giải ngân các hợp đồng. Do vậy, một phần lý do khiến tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng đầu năm nay tăng cao do qua năm mới, các ngân hàng đều “bung rào”.
Tuy nhiên, cũng theo vị tổng giám đốc này, điều đó còn đến từ sự vận động nhanh chóng của các tổ chức tín dụng ngay trong tháng đầu năm, khi các ngân hàng liên tục cam kết, giải ngân các khoản vay, cũng như triển khai các gói vay vốn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, chương trình “Khai xuân đắc lộc” của Ngân hàng ACB chỉ diễn ra từ 3/1/2017 đến 28/2/2017, áp dụng riêng cho những khách hàng cá nhân, tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh nhằm giúp nhóm khách hàng này có thể tận dụng thời cơ kinh doanh mùa vụ trong dịp năm mới.
Các sản phẩm vay áp dụng bổ sung vốn kinh doanh; mua nhà/xây nhà/sửa chữa nhà/mua đất để làm điểm sản xuất kinh doanh… với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm, thời gian vay lên tới 20 năm, với tổng hạn mức chương trình vay ưu đãi lên tới 6.000 tỷ đồng…
Còn OCB cung cấp gói vay lên đến 30.000 tỷ đồng, với mức lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,99%/năm hỗ trợ khách hàng trong việc hoạch định tài chính trong năm mới như: vay trả góp mua ô tô, vay mua bất động sản, vay sửa chữa nhà, vay sản xuất kinh doanh… Theo đó, từng đối tượng khách hàng sẽ nhận ưu đãi khác nhau trong gói vay này, với khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên.
Với Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng, cho biết, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về triển khai gói tín dụng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Vietcombank đăng ký gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác.
Những nền tảng hỗ trợ vững chắc
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động tháng 2 không có nhiều biến động so với tháng 1. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại đã ghi nhận hiện tượng lãi suất huy động VND kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1-1,2%/năm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, một phần do tác động của quy định lãi suất tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn xuống mức 50% áp dụng kể từ ngày 1/1/2017.
Trong khi đó, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35% và vẫn còn một số tổ chức tín dụng vượt quá quy định này của NHNN và nhu cầu cân đối nguồn trước Tết. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định.
Tỷ lệ nợ xấu, theo báo cáo cuối năm 2016 của NHNN, đạt khoảng 2,7% (năm 2015 là 2,9%). Tuy nhiên, năm 2017 được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém, từ đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất.
Trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012-2015 (khoảng 500.000 tỷ đồng), các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung-dài hạn không giảm được nhiều trong năm qua, mặc dù các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ tích cực.
Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33.000 tỷ đồng nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu tại VAMC đang có chiều hướng tích cực, với những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn. Đó là việc đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của NHNN, trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các ngân hàng thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ xấu, điển hình như Vietcombank đã nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC và VietinBank đặt mục tiêu tương tự trong năm 2017.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định: “Nợ xấu được xử lý tốt sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”.
Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tính đến 31/1/2017 đạt khoảng 8,73 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% cuối năm 2016. Khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 61,5% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính.
(Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.