29/09/2016 2:32 PM
Câu chuyện minh bạch hoá các dự án BOT được kỳ vọng cải thiện khi Bộ GTVT soạn thảo và chuẩn bị ban hành thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ thuộc dự án BOT. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân có thể thực sự giám sát việc thu phí cũng như vận hành các dự án BOT?
Trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai (KM6+000 Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
Đề xuất cơ chế cho dân giám sát trực tiếp
Ngay khi được công bố để lấy ý kiến đóng góp, dự thảo thông tư này đã gây chú ý khi đưa ra nhiều quy định mới cụ thể liên quan tới việc giám sát hoạt động của trạm thu phí BOT trong đó đáng chú ý là 10 trường hợp khiến trạm thu phí có thể bị buộc tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, quy định mới bị nhiều chuyên gia đánh giá là vẫn chưa nêu bật được vai trò giám sát của người dân, DN đối với các dự án BOT cũng như việc thu phí tại các trạm.
Liên quan tới vấn đề này, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã gửi ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo trong đó nêu ra nhiều đề xuất nhằm cụ thể hoá vai trò giám sát của người dân. Cụ thể, VCCI đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy định cho phép người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng thu phí. Đi cùng với quyền đó là trách nhiệm kiểm tra thực tế, trả lời phản ánh kiến nghị của cơ quan nhà nước và công khai quá trình kiểm tra thực tế (cho cả chủ đầu tư và người nêu kiến nghị tham gia), công khai kiến nghị và trả lời kiến nghị trên cổng thông tin điện tử.
VCCI nêu ví dụ về việc khi mặt đường xuống cấp, cơ quan quản lý giao thông có thể chưa nhận thấy được ngay, nhưng các lái xe, đặc biệt là các hãng vận tải là người trực tiếp phải chịu hậu quả và có động lực rõ ràng để kiến nghị về việc yêu cầu dừng thu phí.
Bên cạnh đó, người dân mà cụ thể là đại diện DN kinh doanh vận tải, DN có vận tải nội bộ, đại diện hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân địa phương (các cấp tỉnh, huyện, xã), đại diện cơ quan thuế, cơ quan báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan cũng được đề xuất tham gia trực tiếp vào việc kiểm tra, giám sát (đếm xe) thực hiện định kỳ (khoảng 3 tháng một lần) tại các trạm thu phí BOT. Ngoài ra, VCCI kiến nghị công tác báo cáo về doanh thu thu phí cần được quy định chi tiết hơn với bảng kê cụ thể đến từng ngày và số lượng từng loại phương tiện và được công bố rộng rãi để người dân và doanh nghiệp vận tải có được đủ thông tin để giám sát việc thu phí.
Theo VCCI cũng đề nghị phải “thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và trung ương liên tục trước 3 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu phí khi bắt đầu tổ chức thu phí về thời điểm bắt đầu thu phí, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu phí, hình thức thu phí, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn giảm phí sử dụng đường bộ” cần được thực hiện sớm hơn để người dân và DN có sự chuẩn bị.
Có quy định, giám sát thực chất có dễ?
Đồng tình với đề xuất của VCCI nhưng một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi đề xuất được đưa vào luật, việc giám sát thực chất cũng sẽ không dễ. Nhận định về điều này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc người dân trực tiếp gửi phản ánh lên đường dây nóng hoặc tham gia vào việc giám sát thu phí của các trạm BOT không đơn giản vì ai sẽ trực đường dây nóng và DN hay cơ quan chức năng không thể phản hồi tất cả các phản ánh của người dân. Tuy nhiên, ông này cho rằng người dân và DN có thể uỷ quyền cho các hội để tham gia vào quá trình giám sát việc thu phí. Bên cạnh đó, trước khi triển khai một dự án BOT, cần công khai thông tin sớm và lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương bởi trên thực tế việc đặt trạm thu phí tại nhiều nơi không hề lấy ý kiến người dân và từ đó dẫn tới những mâu thuẫn khi dự án vận hành.
Trạm thu phí BOT quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định sự giám sát của người dân và xã hội là rất quan trọng trong khi hiện nay người dân vẫn nắm rất ít thông tin về các dự án BOT. Vì vậy, họ khó nắm bắt và giải thích về tính hợp lý của các mức phí hiện tại hay mức phí sắp được điều chỉnh tới đây.
Không chỉ tăng khả năng giám sát của người dân thông qua việc minh bạch thông tin, trao đổi với báo giới TS Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) còn cho rằng cần tiến hành kiểm toán các dự án BOT như dự án công và công khai kết quả cho người dân được biết.
Trao đổi với báo Lao Động, đại diện ban soạn thảo thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ thuộc dự án BOT cho biết đang tập hợp ý kiến đóng góp để tiến hành điều chỉnh dự thảo trước khi trình lên bộ phê duyệt. Dự kiến thông tư sẽ được thông qua và có hiệu lực vào cuối năm nay.
Chưa được duyệt mức phí đã rậm rịch đòi thu
Trong lúc cơ quan chức năng lấy ý kiến để tăng khả năng giám sát các trạm thu phí BOT, tại dự án BOT QL6, người dân đang bức xúc vì bị “doạ” thu phí trước khi cơ quan chức năng phê duyệt đề xuất của chủ đầu tư. Cụ thể, dù mức thu phí mới đối với người dân tại thị trấn Lương Sơn và 3 xã lân cận chưa được thông qua mà mới đang xin ý kiến các bộ, ngành nhưng Cty TNHH BOT QL 6 Xuân Mai - Hòa Bình đã nhanh chóng gửi thông báo đến người dân xung quanh trạm thu phí và khẳng định sẽ áp dụng mức phí mới từ ngày 1.10 sau thời gian tạm miễn phí sử dụng đường bộ cho các tổ chức, cá nhân xung quanh Trạm do đã nhận được sự chấp thuận của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hòa Bình.
Mức thu phí áp dụng bằng 30% so với mức thu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trạm thu phí km42+ 730 Quốc lộ 6 ở mức từ 7.500 đồng/vé/lượt - 54.000 đồng/vé/lượt.
Khánh Hòa (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.