Thủ tục hành chính liên quan giao dịch nhà đất cần được cải tiến mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi và yên tâm cho người mua

Bất động sản đóng băng đang kéo nền kinh tế tăng chậm lại, hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, các ngành sản xuất thép, vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng ế ẩm… Tìm giải pháp tăng thanh khoản cho các sản phẩm bất động sản, trong đó thị trường căn hộ cần được ưu tiên là điều nhiều người nghĩ đến lúc này.

Nhu cầu cao, sức mua thấp

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, với nhu cầu bình quân nhà ở 25 m2/người thì Việt Nam cần có 2,5 tỉ m2 sàn nhà ở (với dân số khoảng 100 triệu người). Diện tích nhà ở cả nước hiện có khoảng 1,5 tỉ m2, như vậy trong những năm tới cả nước cần 1 tỉ m2 nhà ở. Nếu tính mỗi căn hộ có diện tích trung bình 60 m2 thì nhu cầu cần có tương đương gần 16,7 triệu căn hộ.
Nếu trong số đó người dân tự xây dựng 80%, số còn lại do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây bán thì nhu cầu nhà ở thương mại cần hơn 3,34 triệu căn, tức bình quân 334.000 căn/năm (tính 10 năm), trong đó tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.
Một chung cư cao cấp ở quận 2 - TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy

Nhu cầu nhà ở lớn như vậy nhưng hiện tại do lãi suất tín dụng quá cao, giá vàng tăng mạnh, nguồn vốn dành cho đầu tư bất động sản thiếu nên thị trường đất nền, nhà ở đóng băng.
Theo thống kê của các công ty tư vấn, trên địa bàn Hà Nội hiện còn tồn kho 38.500 căn hộ và TPHCM tồn khoảng 18.000 căn hộ chất lượng trung bình, còn các tỉnh, thành khác chưa thống kê được. Theo dự báo của các công ty tư vấn thì cần 3 năm mới có thể hấp thụ hết số căn hộ đang tồn đọng tại Hà Nội. Như vậy, trong 2-3 năm tới, nếu doanh nghiệp tiếp tục xây mới thì thị trường căn hộ càng ế ẩm thêm.

Le lói hy vọng

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, từ nay đến năm 2015, TPHCM cần có khoảng 30.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Vì vậy, UBND TP đã có ý tưởng mua những căn hộ diện tích và chất lượng trung bình của doanh nghiệp đang tồn đọng để phục vụ kế hoạch tái định cư.
Nếu thực hiện được việc này sẽ góp phần tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng có chủ trương mua căn hộ chung cư để làm nhà ở công vụ cho bộ. Số lượng mua của Bộ Xây dựng tuy không nhiều nhưng đã le lói hướng giải quyết để tăng thanh khoản cho căn hộ. Nếu các ngành và địa phương cùng có hướng giải quyết tích cực như TPHCM và Bộ Xây dựng thì thị trường nhà ở sẽ sớm được thúc đẩy. Khi đó vốn trong dân cũng sẽ được kích hoạt đổ vào, từ đó thị trường bất động sản có thể sẽ khởi sắc.

Để góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường, thủ tục hành chính liên quan giao dịch nhà đất cần được cải tiến mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi và yên tâm cho người mua. Hợp đồng mua bán nhà phải bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, chất lượng công trình, dịch vụ đi kèm phải đồng bộ.

Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.