Gói kích thích nới lỏng định lượng 3 (QE3) do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa đưa ra sẽ ít nhiều tạo thêm áp lực đẩy lạm phát tại Việt Nam tăng lên trong thời gian tới.
Động thái của Mỹ và tác động đến thế giới

Nội dung chính của gói kích thích QE3 là bơm tiền vào nền kinh tế, kể cả mua thêm chứng khoán thế chấp mua nhà và các tài sản khác, ở mức 40 tỷ USD/tháng, không có thời hạn cụ thể; gia hạn thời hạn duy trì mức lãi suất gần bằng 0% cho tới năm 2015… Mục tiêu của việc bơm tiền là ngăn chặn sự suy giảm thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm tình trạng thất nghiệp. Bơm tiền vào nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc phá giá đồng tiền, dẫn đến hậu quả là lạm phát tăng.

Đối với các nền kinh tế có tỷ lệ tiêu dùng/GDP rất lớn, người tiêu dùng rất sợ lạm phát, nhưng do lạm phát trong thời gian tương đối dài vừa qua ở mức thấp, lạm phát vẫn ở ngưỡng an toàn, nên việc kiềm chế lạm phát đã được Mỹ tạm gác sang một bên và sẽ được xử lý khi nó vượt qua mức lạm phát mục tiêu.

Đối với thế giới, QE3 và các gói kích thích của các nền kinh tế lớn khác đã tác động trên nhiều mặt. Rõ nhất là chỉ số chứng khoán. Chỉ số Dow Jones đạt gần mức 13.600 điểm, cao nhất tính từ tháng 12/2007; chỉ số Standard & Poor’s 500 vượt 1.460 điểm, cao nhất tính từ tháng 12/2007; chỉ số Nasdaq Composite vượt qua mốc 3.180 điểm, cao nhất kể từ tháng 11/2000. Chỉ số chứng khoán chủ chốt của nhiều nước cũng tăng và đạt đỉnh điểm trong nhiều tháng, thậm chí trong nhiều năm. Chỉ số chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên việc tăng lên của chúng sẽ là tín hiệu để kinh tế tăng trưởng, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Giá dầu thô cũng tăng lên và hiện ở mức cao nhất trong 4 tháng qua, cộng hưởng với sự căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Giá vàng đã tăng mạnh và hiện đạt mức trên 1.770 USD/ounce; được dự đoán sẽ vượt 1.800 USD/ounce - mức cao nhất tính từ giữa tháng 9 năm ngoái. Nhiều hàng hóa cơ bản khác như sắt, thép, đồng, bông, lúa mỳ… cũng tăng giá.

Tác động cộng hưởng đến Việt Nam

Kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã có độ mở khá lớn. So với GDP, năm 2011, xuất khẩu đã bằng 80,8%, nhập khẩu bằng 89%, cộng cả xuất, nhập khẩu đạt 169,9%, thuộc loại cao thứ 5 trên thế giới. Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ mức bình quân 15,7% trong giai đoạn 2001 - 2005 lên 25,3% trong giai đoạn 2006 - 2010. Với độ mở cao như vậy, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tương đối nhanh và trên diện rộng. Hơn nữa, những tác động này lại cộng hưởng với những yếu tố mới ở trong nước.

Đáng chú ý là, thị trường vàng đã ấm trở lại từ giữa tháng 8 khi giá vàng thế giới tăng. Giá vàng trong nước tăng phi mã từ 42 - 43 triệu đồng/lượng lên trên 47,5 triệu đồng/lượng, sau đó chững lại và giảm xuống dưới mốc 47 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau QE3, giá vàng thế giới tăng trở lại và hiện đạt mức 1.772,7 USD/ounce, thì giá vàng trong nước lại vượt qua mốc 47 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới trên 2 triệu đồng/lượng.

Đứng trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện biện pháp “giải cứu”, cũng không nhập khẩu vàng như trước nữa, mà có ý tưởng gom vàng về một mối, thu hút lượng vàng còn tồn đọng lớn ở trong dân. Tuy nhiên, từ vài ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho sử dụng một lượng vàng SJC tới 350.000 lượng, tương đương 13 tấn (từ vàng SJC móp méo, từ vàng phi SJC) để can thiệp. Nhờ vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn lớn, do yếu tố tâm lý lo ngại lạm phát trong nước có thể tăng cao trở lại.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có dấu hiệu cao trở lại từ tháng 8 và có khả năng cao hơn nữa từ tháng 9 trở đi với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Chính sách tiền tệ, tài khóa đang được nới lỏng, với nhiều biểu hiện, như giảm lãi suất, đưa tiền đồng ra mua một lượng lớn USD, giảm thuế, tạm ứng ngân sách 2013 để tăng đầu tư công… Các yếu tố trên cộng hưởng với nguy cơ giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng (giá dầu, giá kim loại, giá bông, giá lúa mỳ, giá cà phê…) sẽ tác động tới Việt Nam.

Theo Minh Nhung (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.