Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện đang đối mặt nguy cơ rửa tiền rất cao từ các cá nhân, tổ chức tội phạm trong và ngoài nước. Thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế đa dạng, phong phú với nhiều hình thức kinh doanh khác nhau. Thứ hai, Việt Nam thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng là một điều kiện thuận lợi tại Việt Nam và câu chuyện đại gia rửa tiền Liberty Reserve vươn tới Việt Nam cách đây không lâu như một minh chứng. Thứ ba, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng tạo điều kiện cho việc rửa tiền dễ dàng hơn, trong khi việc kiểm soát của các cơ quan chức năng lại khó khăn hơn.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thống, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có thể thực hiện ở 2 dạng: Dạng thứ nhất là đối tượng phạm tội trong nước như lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy, sau đó “hợp pháp hóa” số tiền phạm tội mà có bằng cách thực hiện các giao dịch như mua bán BĐS, chuyển giao cho người khác. Dạng thứ 2 là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó chuyển “tiền bẩn” từ nước ngoài về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang “tiền sạch”. Cách chuyển tiền của các cá nhân, tổ chức tội phạm có thể qua hệ thống ngân hàng dưới hình thức gửi tiền cho thân nhân, hoặc đầu tư tiền vào các hợp đồng kinh tế “ma”. Chia sẻ thêm về phương thức rửa tiền của các nhóm tội phạm, TS. Lê Thẩm Dương cho biết, cách thức rửa tiền cũng có nhiều dạng, tùy theo “độ hở” của chính sách tại các quốc gia. Ví dụ, “độ hở” trong ngân hàng, trong chuyển tiền, trong đầu tư nước ngoài, trong quá trình kinh doanh mua bán BĐS…
Đối với các nước tiên tiến trên thế giới, mọi giao dịch đều thông qua tài khoản tại các ngân hàng. Vì thế, các giao dịch thường rất minh bạch và việc kiểm soát các luồng tiền của các cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, người dân có thói quen sử dụng tiền mặt nên các giao dịch ngầm rất khó bị phát hiện. Thậm chí, hầu hết các giao dịch trên thị trường BĐS với giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng nhưng giao dịch bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến. Chính những điều này đang tạo “đất sống” và điều kiện cho hành vi rửa tiền được thực hiện một cách dễ dàng.
Thời gian qua, không ít nghi ngờ đã và đang được đặt ra khi cho rằng hoạt động rửa tiền thông qua giao dịch BĐS đã xuất hiện ở Việt Nam. Được biết, ngay cuối năm 2012, Viện KSND Tối cao cũng đã tiếp nhận yêu cầu của Cảnh sát nước ngoài đề nghị thực hiện bản án kê biên tài sản trị giá hàng triệu USD, nguồn gốc do một đối tượng người Australia, gốc Việt buôn ma túy mà có, sau đó chuyển về cho thân nhân ở Việt Nam để mua BĐS. Tuy nhiên, những tài liệu đó chưa đủ căn cứ theo pháp luật Việt Nam nên chưa thực hiện được.
Điều đáng lo là nếu thực sự có chuyện rửa tiền qua thị trường BĐS thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc “tiền bẩn” được được các cá nhân và tổ chức tội phạm “tẩy sạch” một cách trót lọt mà quan trọng hơn đây cũng có thể là yếu tố tạo nên bong bóng BĐS, đẩy giá BĐS tăng vọt một cách vô lý. Câu chuyện giá “trên trời” của thị trường BĐS tại một số thành phố lớn của Việt Nam, thậm chí còn đắt hơn cả New York trong thời gian qua không thể không khiến dư luận nghĩ đến nhận định trên.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống rửa tiền, trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh BĐS đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đã bổ sung qui định phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS.
Theo đó, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS bổ sung mới Điều 78 về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh BĐS, trong đó mục 6 có quy định rõ: Nhà nước sẽ quản lý, hướng dẫn về công tác phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS. Bên cạnh đó, trong Điều 79 cũng được bổ sung mới, trong đó quy định rõ: Mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS; Việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền thì thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Báo cáo của NHNN cho biết, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là hơn 50.933 tỷ đồng (bao gồm cả các đồng tiền khác đã được quy đổi). NHNN đã cung cấp 165 báo cáo để chuyển cơ quan công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành để xem xét, xác minh, trong đó số báo cáo gửi cho cơ quan công an là 160 báo cáo. Không chỉ chủ động phát hiện các giao dịch đáng ngờ về rửa tiền, NHNN còn tiếp nhận 50 văn bản từ các cơ quan thực thi pháp luật đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến hàng chục bị can hoặc đối tượng đấu tranh trong các vụ án hình sự. Bên cạnh đó, kết quả làm việc của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố cũng phát hiện và làm rõ nhiều sai phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi rửa tiền.