Là cửa ngõ của cả khu vực miền Nam, cận kề trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình, cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Đồng Nai đã không ngừng tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng kết nối, tạo động lực cho sự phối hợp, liên kết vùng.

Cảng Đồng Nai, cửa ngõ giao thương quốc tế. Ảnh: V.Gia

Cảng Đồng Nai, cửa ngõ giao thương quốc tế. Ảnh: V.Gia

Để có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy liên kết phát triển, các địa phương trong vùng cần xây dựng và hoàn thiện thể chế liên kết cũng như có cơ chế đặc thù riêng cho vùng.

Cơ sở hạ tầng là động lực phát triển

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông - vận tải (GT-VT), (Viện Chiến lược phát triển GT-VT), Đồng Nai có một hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy. Toàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ, đường cao tốc đã đưa vào sử dụng với chiều dài gần 300km và 24 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài khoảng 500km. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đồng Nai dài 87,5km với 8 ga. Hệ thống đường thủy có tổng chiều dài 2.642km cùng với các cảng bến phục vụ vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa như: cảng Long Bình, Gò Dầu, Cát Lái…

Nguồn lực dành cho hạ tầng giao thông thời gian qua trên địa bàn là rất lớn, gồm nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, đặc biệt là đầu tư cho giao thông đường bộ. Các tuyến đường huyết mạch quốc gia đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số công trình trọng điểm khác như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu… đã làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh chóng. Hiện một loạt các dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tuyến đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương… Đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.

Biểu đồ thể hiện quy mô nâng cấp và mở mới đường giao thông trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 202/2019/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh về quy hoạch giao thông đường bộ Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Biểu đồ thể hiện quy mô nâng cấp và mở mới đường giao thông trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 202/2019/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh về quy hoạch giao thông đường bộ Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, Đồng Nai chú trọng phát huy những tiềm năng, thuận lợi về vị trí, về dân số và địa chất, cùng với nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực cải cách hành chính và luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp đã giúp Đồng Nai đạt kết quả cao trong thu hút đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, Đồng Nai là địa phương có lợi thế bậc nhất trong khu vực vì là cửa ngõ vào TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; là nơi giao thoa các tuyến đường bộ lớn Bắc - Nam, Tây nguyên - Nam bộ và đường kết nối với cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu nên giao thông rất sôi động. Trong những năm qua, Bộ GT-VT rất quan tâm, tạo điều kiện đầu tư để Đồng Nai trở thành đầu mối giao thông lớn nhất khu vực phía Nam, giúp liên kết vùng giữa Đồng Nai, TP.HCM với các tỉnh trong khu vực ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển GT-VT Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng 2030, mục tiêu của tỉnh là xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành mạng lưới thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh các dự án do ngân sách Trung ương đầu tư như: Sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc (Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương), tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng thêm các dự án mới như: tuyến metro Biên Hòa - TP.HCM, tuyến metro dọc sông Cái, đường sắt cao tốc TP.HCM - Biên Hòa - Nha Trang, tổng kho trung chuyển miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, sẽ mở mới nhiều tuyến đường tỉnh như: đường vành đai TP.Biên Hòa, các tuyến giao thông kết nối liên huyện Trảng Bom - Vĩnh Cửu, Trảng Bom - Thống Nhất, Long Thành - Cẩm Mỹ, đường nội ô Biên Hòa, đường liên cảng khu vực Nhơn Trạch và hệ thống đường nhánh kết nối khu vực sân bay quốc tế Long Thành cũng sẽ được ưu tiên xây dựng.

Cần tăng tốc cho đầu tư liên kết

Thực tế phát triển kinh tế - xã hội của vùng những năm qua, giao thông liên kết đang được đánh giá là điểm nghẽn trong phát triển nên Đồng Nai cũng như các địa phương trong vùng đều kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thực hiện càng sớm càng tốt các dự án hạ tầng đã có quy hoạch.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là cơ sở để Đồng Nai liên kết vùng và hướng ra quốc tế. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Gia

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là cơ sở để Đồng Nai liên kết vùng và hướng ra quốc tế. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Gia.

Tại hội nghị Thủ tướng với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cuối tháng 5-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết để những dự án giao thông có tính chất liên kết giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các tỉnh trong vùng và với miền Tây Nam bộ. Trong đó, dự án Cầu Phước An kết nối với miền Tây Nam bộ thông qua đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 TP.HCM bằng vốn vay ODA Nhật Bản. Các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước cũng kiến nghị sớm bố trí vốn cho dự án giao thông kết nối như: đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa, TP.HCM - Long An - Tiền Giang, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư, đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư...

Đối với Đồng Nai, ngoài việc tăng tốc đầu tư các dự án liên kết vùng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng cần phải có quy hoạch vùng để các địa phương thuận lợi trong việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Trước mắt, tỉnh kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Song song với giao thông, Đồng Nai cũng đã chủ động dự trù nguồn đất để xây dựng mới các khu công nghiệp, đón đầu dịch chuyển đầu tư trong những năm sau. Do vậy, tỉnh mong muốn sớm được chấp thuận bổ sung thêm 2 khu công nghiệp là Phước An quy mô 330ha và Phước Bình 2 quy mô 590ha vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, dù là vùng kinh tế lớn nhất nước nhưng Đồng Nai và các địa phương trong khu vực vẫn còn những hạn chế trong phát triển. Thể chế liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa có người cầm trịch, khởi xưởng nên việc liên kết giữa các địa phương còn yếu, từng tỉnh, thành có kế hoạch riêng của mình mà chưa phối hợp đồng bộ. Những điều này dẫn đến điểm nghẽn cho sự phát triển nói riêng của Đồng Nai cũng như phát triển chung của vùng. Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay chính là hoàn thiện thể chế liên kết vùng, Chính phủ có giải pháp xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng làm nền tảng cho sự phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế chung cho những năm tới.

  • Đồng Nai sẽ có thêm nhiều dự án khu dân cư

    Đồng Nai sẽ có thêm nhiều dự án khu dân cư

    Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, Đồng Nai có hơn 300 khu dân cư. Dự kiến các địa phương trong tỉnh sẽ bổ sung thêm hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để mời gọi đầu tư.

Văn Gia (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.