Rà soát dự án, điều chỉnh cơ cấu cụ thể; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, tăng cầu thực… là những giải pháp được đưa ra tại buổi “Gặp gỡ - Đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành xây dựng - bất động sản khu vực Hà Nội”. Hội thảo này do Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn trong tình trạng “đóng băng” thị trường BĐS.

Điều chỉnh dự án, tăng nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định thị trường BĐS là “xương sống” của nền kinh tế, vì vậy tình trạng “đóng băng” thị trường BĐS hiện nay sẽ gây khó khăn không chỉ cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Các giao dịch bất động sản gần như ngừng hẳn trong thời gian này. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng đã chủ động đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng nhà ở, kinh doanh BĐS theo hướng tăng cường kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có sự kiểm soát theo quy hoạch và có kế hoạch, cân đối cung - cầu. Trong đó, cần có kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất là vai trò cốt yếu để giải quyết vấn đề này.

Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 chỉ rõ sẽ hình thành hai loại hình nhà ở là hàng hóa và phi hàng hóa. Nhà ở hàng hóa sẽ theo quy luật thị trường còn nhà ở phi hàng hóa không theo quy luật giá trị mà có sự hỗ trợ của Nhà nước là nhà ở xã hội hướng đến 8 nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Loại hình nhà ở xã hội này hiện có nhu cầu rất lớn nhưng chưa được đáp ứng, các nhà đầu tư BĐS mới quan tâm đến thị trường cho những người giàu hoặc người có khả năng kinh tế, chủ yếu sản phẩm cao cấp như căn hộ cao cấp, chung cư cao cấp… Trong khi đó, căn hộ nhỏ, giá rẻ thì ít.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát lại các dự án. Theo đó, những dự án đầu tư xây dựng không phải là công trình bức thiết sẽ phải dừng lại, không tiếp tục giải phóng mặt bằng; với những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa san nền mà là nhà ở thì cần dừng lại, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư cho thuê canh tác, sản xuất nông nghiệp… trên đất đó để tránh lãng phí; trường hợp đã có hạ tầng hoặc một phần hạ tầng thì điều chỉnh dự án để tăng cơ cấu nhà ở xã hội, cho chuyển đổi điều chỉnh dự án; trường hợp đã có căn hộ nhưng chưa bán được, tùy theo trường hợp và khu vực cần chia nhỏ cho dễ bán, việc này Bộ sẽ cùng với địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các ngân hàng, địa phương đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người mua, từng bước tháo gỡ khó khăn hiện nay. Các đơn vị có nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ tiền sử dụng đất. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải tập trung cơ cấu lại dự án, sản phẩm để đến được với người dân chứ không phải làm nhà to cho đẹp hình ảnh của mình.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, ngoài việc chia nhỏ căn hộ, cần tìm hiểu nhu cầu phát triển nhà ở xã hội để có thể đặt hàng doanh nghiệp; điều chỉnh quy hoạch, dự án và xác định nội dung cho phù hợp. Đồng thời các dự án đang tồn đọng cần tăng tính hấp dẫn bằng cách hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để thu hút người có nhu cầu nhà ở thực sự.

Hướng vào người tiêu dùng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ tình trạng khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là do sự phát triển những dự án đô thị không căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch mà tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với nạn đầu cơ, nhà ở chủ yếu xoay vòng giữa các đầu mối chứ chưa đến tay người thực sự có nhu cầu nhà ở. Do đó, thị trường BĐS cần hướng vào người tiêu dùng, nguồn cung phải phù hợp với nhu cầu của người dân.

Với vai trò to lớn của ngân hàng trong việc giúp tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng nhà nước Vũ Viết Mạnh khẳng định, ngân hàng đã đề xuất với Chính phủ hoãn nợ hoặc giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng đã cho phép các tổ chức tín dụng chuyển 30% vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn và sẽ cùng với Bộ Xây dựng tiếp tục hỗ trợ những dự án cần đầu tư, dành vốn cho những người thật sự có nhu cầu mua nhà để kích cầu.

Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex bày tỏ quan điểm: “Cần sử dụng biện pháp tăng cầu vì nhu cầu thực về nhà ở của người dân rất lớn, đặc biệt là nhà ở xã hội nhưng vấn đề là họ lại không có tiền. Vì vậy, ngân hàng nên có cơ chế cho người sử dụng nhà được vay tiền. Ngoài ra, cần xử lý những doanh nghiệp “bán phá giá” dẫn đến tâm lý chờ đợi của người dân và việc điều chỉnh dự án cần có chủ trương, chính sách cụ thể”.

Qua những ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Bộ Xây dựng sẽ quyết liệt thực hiện những biện pháp trước mắt và lâu dài. Đó là rà soát dự án, bắt buộc cấu trúc lại các dự án, sản phẩm dự án, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội; thành lập nhóm chuyên trách xử lý hàng ngày, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà nhỏ, giá rẻ, tăng cầu thực. Đồng thời, các nhà đầu tư BĐS cần xem khả năng của mình để cân nhắc đầu tư các dự án như cũ hay điều chỉnh, tạm dừng. Đặc biệt, cần tăng cường sự vào cuộc của các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Theo Thu Trang (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.