24/10/2019 8:22 AM
CafeLand - Tại buổi thảo luận mới đây về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Công ty Surbana Jurong, đơn vị tư vấn quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng, đã đề xuất dừng phát triển cảng Liên Chiểu.

Đề xuất này đang gây “sốc” với lãnh đạo địa phương. Nhưng thật ra, vấn đề này đã được nhiều người đề cập từ khi Đà Nẵng tuyên bố sẽ đầu tư cảng Liên Chiểu hơn hai năm trước.

Một thành viên lãnh đạo cảng Đà Nẵng (hiện đã nghỉ hưu và đề nghị không nên tên) từng đề cập với CafeLand rằng dự án cảng Liên Chiểu nếu triển khai trước năm 2015 thì còn có chút cơ hội. Nhưng đến nay, dự án “mất cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa”. Tại sao lại thế?

.

Vịnh biển Đà Nẵng nhìn từ Liên Chiểu, được đánh giá cao về giá trị du lịch và phát triển đô thị thay vì đầu tư cảng biển công nghiệp.

Mất cả “tam tài”

Theo vị này, cảng Liên Chiểu được chọn để thay thế cảng Tiên Sa trong tư duy lãnh đạo Đà Nẵng là đương nhiên, khi địa phương này muốn thực hiện chiến lược kinh tế theo hướng “du lịch – tài chính” mà cũng không muốn mất cơ hội từ kinh tế biển.

Thậm chí, Đà Nẵng ở vị thế thành phố biển cần duy trì hiệu quả hoạt động cảng công nghiệp hóa, tự động hóa… nên lại càng không thể “mất cảng”. Lâu nay, Tiên Sa vẫn được xem là cảng biển chủ lực miền Trung, thì tất yếu cảng Liên Chiểu cũng phải ở tầm vóc tương tự.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cảng Liên Chiểu thiếu nhiều yếu tố để có thể phát triển mạnh mẽ, và so sánh tương quan, cảng biển này không đủ “tam tài”.

Thứ nhất là về địa lợi. Cảng Liên Chiểu nằm trong vịnh Đà Nẵng, diện tích không chỉ bị thu nhỏ mà còn bị “bao vây” bởi hàng loạt dự án đầu tư không liên quan gì công nghiệp vận tải biển. Đất đai quanh cảng này, từ lâu đã định vị đầu tư du lịch, đô thị hóa, với giá chuyển nhượng tăng hàng chục lần so với trước đây.

Liệu ai bỏ vốn đầu tư kho ngoại quan, hàng hóa với những phần đất có giá rao bán “trên trời”? Đó là chưa kể, nếu cảng Liên Chiểu hoạt động có sự cố như bị tràn dầu sẽ ảnh hưởng hàng loạt dự án bất động sản xung quanh, lan tỏa từ Thuận Phước đến Hải Vân và ngược lên Hòa Ninh, Hòa Bắc.

Thứ hai là về thiên thời. Cảng Liên Chiểu trong tổng thể mạng lưới cảng miền Trung hiện nay rất “yếu thế”. Chỉ cần đầu tư cảng Chu Lai là cảng xuất khẩu quốc tế, lấy cảng Quy Nhơn và Chân Mây (Thừa Thiên Huế) phụ trợ trung chuyển hàng về là bài toán vận tải hàng hóa công nghiệp đã được giải.

Hàng hóa ở khu công nghệ cao Đà Nẵng nếu cần xuất cũng chỉ đơn giản đi ra cảng Chân Mây là xong. Như vậy, Đà Nẵng sẽ giảm được áp lực ô nhiễm về công nghiệp nặng, một điều rất quan trọng với một đô thị du lịch quốc tế.

Thứ ba là về nhân hòa. Cảng Liên Chiểu chỉ nói đến vốn đầu tư cần huy động khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng hiện nay chưa có được bao nhiêu, đang mong được cấp 3.000 tỉ đồng từ Chính phủ mà còn bấp bênh chưa thể quyết.

Trong khi đó, chỉ riêng cảng Chu Lai đang có nhà đầu tư Thaco với khoảng 5.000 tỉ đồng dành sẵn. Nếu Chính phủ bổ sung về 3.000 tỉ mà Đà Nẵng mong có là dư sức xây dựng một cảng biển quy mô rồi. Những nhà đầu tư khác sẽ chọn lựa thế nào nếu đi vào Chu Lai, Núi Thành với đất đai mở rộng, cơ hội đầu tư lớn hơn, thay vì quanh quẩn ở Đà Nẵng với một khuôn viên quá chật chội tại Liên Chiểu?

Nên hoàn thiện Tiên Sa

Khu vực vịnh biển Tiên Sa ở chân núi Sơn Trà sẽ được đầu tư đúng hướng du lịch khi cảng Tiên Sa được đầu tư mở rộng theo hướng khai thác du lịch.

“Đà Nẵng nên mạnh dạn dứt bỏ ý tưởng đầu tư cảng Liên Chiểu, quay lại tiếp tục hoàn thiện năng lực cảng Tiên Sa, và hợp tác cùng các địa phương xung quanh xây dựng mạng lưới cảng biển miền Trung”, vị thành viên lãnh đạo cảng Đà Nẵng đề cập như vậy. Đây cũng chính là tinh thần cơ bản mà nhà tư vấn Nhật Bản đã nêu lên với thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, phác thảo của các nhà chuyên môn về cảng Tiên Sa là cần phát huy những lợi thế đã có của cảng biển này, đổi từ cảng công nghiệp thành cảng chuyên dụng du khách và hàng hóa du lịch thương mại. Đà Nẵng ưu tiên đầu tư du lịch thì nguồn hàng phục vụ du lịch, hàng hóa cao cấp đầu tư hạ tầng du lịch rất cần thiết.

Với du khách, câu chuyện cảng Tiên Sa sẽ rất ấn tượng để khai thác các đề tài lịch sử, và có thể định vụ luôn nhu cầu đón nhận các du thuyền cao cấp về đây.

Một nhà tư vấn quốc tế khi trao đổi với CafeLand về vịnh Đà Nẵng đã từng cho rằng nếu giữ cảng Tiên Sa để xuất nhập hàng hóa tiêu dùng cho Đà Nẵng, xây dựng một đê mềm chắn sóng ở cửa vịnh Đà Nẵng từ Tiên Sa qua hòn Sơn Chà (Hải Vân), Đà Nẵng sẽ có thêm 1/3 diện tích mặt biển để làm một thành phố nổi.

Đây là ý tưởng rất lớn, đòi hỏi đầu tư của nhiều nhà tài phiệt quốc tế, nhiều nguồn lực quốc gia tiên tiến để thực thi để nâng tầm cỡ Đà Nẵng. Có thể nghĩ đến yêu cầu di dời sân bay Đà Nẵng lên mặt vịnh Đà Nẵng, chuyển con đường Nguyễn Tất Thành thành tuyến đường thương mại, đầu tư trị giá hàng triệu đô la, và khu vực chân núi Sơn Trà cùng hàng loạt dự án đầu tư tầm cỡ mà không hề phá vỡ, vi phạm gì cảnh quan bán đảo, không ảnh hưởng môi trường sinh thái nơi đây.

Theo đó, khu vực cảng Liên Chiểu sẽ chỉ là một điểm đón nhận du thuyền, kết nối du khách theo đường sông nước đi về phía tây Đà Nẵng, và mở ra một cánh cửa phát triển đô thị mới cho thành phố biển này.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.