17/01/2017 9:29 AM
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, chi thường xuyên tăng nhanh, trong khi đó thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên và trả nợ vay nước ngoài đã tác động mạnh đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Bởi vậy, nếu xử lý nợ xấu là vấn đề trước mắt, thì tái cơ cấu nợ công và quản chặt chi tiêu ngân sách được coi là mục tiêu quan trọng của nền kinh tế...
Thu ngân sách đạt khá, nợ công trong giới hạn
Thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2016 kết quả thu ngân sách cao hơn dự báo, đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng, tăng 55 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu ngân sách trung ương không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án, cơ bản đạt dự toán.
Thời gian qua, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 82 nghìn doanh nghiệp, xử lý tăng thu ngân sách 14,5 nghìn tỷ đồng, thu 42 nghìn tỷ đồng nợ thuế (số dư nợ thuế đến cuối năm 2016 khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so cuối năm 2015), chuyển cơ quan công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
Cơ quan hải quan đã thực hiện gần 9,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu ngân sách 3,3 nghìn tỷ đồng, bắt giữ, xử lý gần 15,4 nghìn vụ buôn lậu, tăng thu cho ngân sách 166 tỷ đồng, thu hồi và xử lý 499 tỷ đồng nợ thuế...
Về chi ngân sách, mặc dù có những thời điểm nguồn thu ngân sách chậm, nhưng vẫn bảo đảm đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của những đơn vị sử dụng ngân sách. Điều hành quản lý chặt nguồn dự phòng các cấp, tạm giữ 50% dự toán chi dự phòng ngân sách trung ương và địa phương (đối với những địa phương dự kiến giảm thu) để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn. Các bộ, ngành và địa phương đã chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định.
Riêng với thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, công tác phân bổ và giải ngân vốn vẫn chậm, giải ngân nguồn vốn mới đạt khoảng 80% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt 55,2%. Song, trên cơ sở kết quả thực hiện thu, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm, giữ mức bội chi ngân sách trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm trong giới hạn cho phép. Cơ cấu nợ phù hợp với mục tiêu đã đề ra của chiến lược về nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước.
Tính đến hết năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ 53,62% GDP. Về cơ cấu nợ của Chính phủ, nợ vay trong nước tăng từ 38,1% (năm 2011) lên 59% (năm 2016), nợ vay ngoài nước giảm còn 41%.
Giảm lệ thuộc vào vốn vay nước ngoài
Mặc dù nợ công vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng tỷ lệ nợ công tăng nhanh, trong 5 năm qua, tăng trung bình 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, khả năng tài khóa còn hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Vì thế, để có nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tăng trưởng, Việt Nam phải đi vay nợ nước ngoài, gây tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách.
Ngoài ra, chi thường xuyên tăng nhanh trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân khiến ngân sách căng thẳng. Bởi vậy, mục tiêu của Bộ Tài chính trong năm 2017 là thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, không chuyển vốn vay để cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới, cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất trái phiếu chính phủ. Để giảm sự lệ thuộc vào vốn vay nước ngoài, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại nợ trong nước.
Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển đổi 364 nghìn tỷ đồng các khoản vay của ngân sách nhà nước từ bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang hình thức trái phiếu chính phủ, qua đó thống nhất đầu mối quản lý các khoản vay từ bảo hiểm xã hội, đa dạng hóa các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ, tăng quy mô và kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ, tạo thuận lợi trong việc áp dụng các giải pháp tái cơ cấu lại danh mục nợ, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn và bền vững nợ công.
Tái cơ cấu nợ công và quản chặt chi tiêu ngân sách không phải là việc đơn giản, cần sự vào cuộc của không chỉ Ngành Tài chính, mà là của tất cả các bộ, ngành. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực tế nợ công của Việt Nam và có những giải pháp quyết liệt để những món nợ này không trở thành "gánh nặng" của tương lai.
Đức Anh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.