23/01/2014 4:26 PM
Dù tăng trưởng tín dụng của nhiều NH không như kỳ vọng, nhưng giữa các NH vẫn diễn ra cuộc đua huy động vốn. Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nếu chỉ xét về huy động - cho vay, NH thừa vốn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng hiện các NHTM vẫn mạnh dạn huy động vì vẫn đang an toàn trong kênh trái phiếu chính phủ (TPCP).

Mở đầu vào, thắt đầu ra

Mở đầu năm 2014, các NHTM đã bắt đầu cuộc đua huy động vốn với hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Cụ thể, BIDV đang có chương trình khuyến mại tiền gửi Lộc xuân may mắn với tổng giá trị giải thưởng trên 12 tỷ đồng. VietinBank triển khai chương trình khuyến mại dự thưởng “Tết vạn điều may” dành cho khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm VNĐ và USD, lãi suất cố định trả sau với hàng ngàn giải thưởng hấp dẫn có tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng. VPBank triển khai chương trình khuyến mại “Xuân thịnh vượng - Rước tài lộc”.

SCB giới thiệu chương trình ưu đãi “Tân niên phát lộc” với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng tổ chức có tiền gửi thanh toán không kỳ hạn bằng VNĐ và người giao dịch. HDBank triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng “Quà tặng hết ý - Trúng vàng nguyên ký”, trong đó giải thưởng lớn nhất là 1kg vàng SJC.

NaviBank đưa ra chương trình khuyến mại đặc biệt “Mã đáo thành công - Song hành Nam Việt” cho khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên với loại tiền VNĐ, USD… Song hành với các chương trình khuyến mại, lãi suất huy động vốn kỳ hạn 1 tháng của đa số NHTM những tháng giữa năm 2013 được áp dụng dưới 7%/năm, thì hiện nay nhiều NH đã điều chỉnh lãi suất trên 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng tăng, dao động từ 7,5-8%/năm.

Trong khi các NH đang chạy đua huy động thì trong một hội nghị diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng từ cuối quý IV-2013 đến nay, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang đối mặt với những vấn đề như hàng tồn kho tăng cao, nợ đọng kéo dài ảnh hưởng vòng quay vốn sản xuất kinh doanh.

Hoạt động của DN bị nghẽn khiến cơ hội tiếp cận vốn vay cũng tắc theo. Cho đến thời điểm này, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn vẫn là vấn đề thời sự trong cộng đồng DN, nhất là các DNNVV. Lãnh đạo một NHTMCP cũng thừa nhận, hiện nay cho vay DN rất rủi ro, nên muốn cho vay NH đặt ra tiêu chí phải lựa chọn khách hàng tốt.

Rút kinh nghiệm các trường hợp cho vay dẫn đến nợ xấu, các NH đang hướng đến những DN lớn hoặc những DN được bảo lãnh bởi những đối tác lớn của NH, nhưng số lượng DN này không nhiều. Còn đối với những DN đang nợ hoặc có nợ xấu, dù NHNN chỉ đạo NHTM cho vay đối với những DN có phương án sản xuất mới khả thi, nhưng NH không thể cho vay vì nợ cũ chưa thu hồi được, cho vay mới làm sao có thể yên tâm DN trả được, lúc đó sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng nợ xấu.

Trú ẩn an toàn

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2014, NHNN cho biết tính đến ngày 12-12-2013, tín dụng toàn hệ thống đạt 8,83% so với cuối năm 2012, trong khi huy động vốn tăng 15,61%.

Đến đầu năm 2014, NHNN lại cho biết tín dụng toàn hệ thống đã tăng 12,51%. Như vậy, trong năm 2013, vốn huy động vẫn tăng trưởng cao hơn tín dụng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng thông thường nếu xảy ra tình trạng thừa vốn trong các NHTM sẽ rất nguy hiểm, bởi huy động nhưng không cho vay ra được NH vẫn phải trả lãi khách hàng, nếu lỗ lâu dài có thể dẫn đến phá sản.

Nhưng tại Việt Nam, trong thời điểm NH phải che chắn, đảm bảo cho bản thân NH lẫn toàn hệ thống, rất nhiều NH đã dồn sang đầu tư TPCP và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong phần tăng trưởng tín dụng các NH công bố hiện nay, nhiều NH còn tính gộp cả tín dụng lẫn đầu tư.

Mặc dù không công bố cụ thể tỷ trọng tín dụng và đầu tư trong tổng mức tăng trưởng tín dụng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng đầu tư không nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc tín dụng ra nền kinh tế năm 2013 không cao, nhưng lại hút vào kênh đầu tư TPCP.

Theo dự báo của Nhóm Nghiên cứu - Ban Kinh doanh Vốn và tiền tệ của BIDV, dù nguồn cung TPCP tăng lên trên 200.000 tỷ đồng nhưng cầu cũng sẽ tiếp tục tăng, nên toàn bộ nguồn cung này có nhiều khả năng sẽ được hấp thụ hết.

Bởi vì năm 2014, lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng tín dụng của các NHTM vẫn còn khiêm tốn và mặt bằng lãi suất vẫn sẽ ổn định ở mức thấp. Ghi nhận qua những tuần đầu tiên của năm 2014, thị trường TPCP vẫn tiếp tục diễn biến sôi động.

Giới thiệu sản phẩm mới tại MeKongBank. Ảnh: LONG THANH

Sau 2 phiên đấu thầu từ đầu năm 2014, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 12.262 tỷ đồng. Từ trước đến nay, các NHTM vẫn là người mua chính đối với TPCP. Mặc dù trong phiên đấu thầu ngày 21-1, lãi suất trúng thầu có giảm nhẹ hơn các phiên trước, cụ thể kỳ hạn 2 năm lãi suất 6,77%/năm, kỳ hạn 3 năm lãi suất chốt ở 7,19%/năm và kỳ hạn 5 năm lãi suất 8,19%/năm.

Dù nhiều dự báo cho rằng vẫn có tiềm năng để lợi suất trái phiếu giảm tiếp, nhưng Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định thị trường TPCP vẫn sẽ sôi động, vì tháng 6-2014 Thông tư 02 được áp dụng nên các NH vẫn tiếp tục thận trọng về tín dụng. Theo VCBS, các NH có thể tận dụng cơ hội nguồn vốn giá rẻ để đầu tư vào những tài sản an toàn có lợi suất trên 5%/năm. Trong đó trái phiếu sẽ là lựa chọn tối ưu.

Theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 17-12-2013, cho thấy lãi suất cho vay đã giảm nhưng tỷ trọng dư nợ cho vay có mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ chiếm 30,03% trong tổng dư nợ, mức lãi suất 10-15%/năm chiếm tỷ trọng còn lại.

Hiện nay, các NH đang áp dụng lãi suất 6-8%/năm cho các DN lớn nhưng các DN này lại không dám vay vốn vì thị trường chưa có nhiều khởi sắc. Còn các DN khác phải chịu mức lãi suất cao hơn, thậm chí nhiều DN được thông báo lãi suất vay trên 13%/năm.

Đó mới thông báo về lãi suất, việc có vay được vốn hay không là còn tùy vào độ tín nhiệm và tài sản thế chấp của DN. Vì vậy, NH có thể xem xét để hỗ trợ từng đối tượng để DN có thể cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tô Duy Lâm (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.