Không nhiều chuyên gia kỳ vọng tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ kết thúc trong năm nay, nhất là khi cuộc khủng hoảng năng lượng làm dấy lên lo ngại về lạm phát kéo dài. Điều này khiến dự báo doanh thu từ cổ phiếu của các doanh nghiệp chất bán dẫn, bán lẻ, và nguyên liệu thô trở nên hết sức thận trọng.
George Ball, Chủ tịch của công ty đầu tư Sanders Morris Harris có trụ sở tại Houston, Mỹ cho biết: “Các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài, dẫn đến giá cả cao hơn đáng kể và khoảng cách giữa các thị trường lớn hơn dự báo. Hầu hết các ngành kinh tế không phải là dịch vụ thuần túy hoặc công nghệ thuần túy sẽ phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng trong một thời gian dài”.
Công nghiệp chất bán dẫn
Công suất của toàn ngành dự báo sẽ chỉ nhỏ giọt cho đến cuối năm 2022 do các nhà máy đóng cửa và thời gian giao hàng lâu hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc cũng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nước này đóng cửa các nhà máy.
Khi các trung tâm chất bán dẫn như Malaysia mở cửa trở lại, giá cổ phiếu của một số công ty có thể suy yếu hơn do chi phí các vật liệu như silicon tăng cao.
Giá chip DRAM và NAND dường như đang ở mức cao nhất. Ước tính thu nhập trong 12 tháng tới của các công ty sản xuất chip khổng lồ như Samsung Electronics Ltd., Micron Technology Inc. và Intel Corp. đã biến động mạnh hoặc sụt giảm trong hai tháng qua. Cổ phiếu giảm khoảng 20% hoặc hơn so với mức đỉnh gần đây.
Nhà phân tích Christopher Rolland của Susquehanna cho biết: “Mặc dù nhiều công ty đã có doanh thu tăng kỷ lục mọi thời đại, nhưng giá các cổ phiếu vẫn không theo kịp. Tình hình chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu”.
Sản xuất ô tô
Tình trạng thiếu chip cũng là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất ô tô thiệt hại 210 tỷ đô la doanh thu trong năm nay. Nhiều công ty đã báo cáo doanh thu sụt giảm trong quý 3 vừa qua do đình trệ vận chuyển và tắc nghẽn tại các cảng.
Tuy nhiên, do những khó khăn của ngành đã được xác định rõ ràng, một số nhà phân tích cho rằng thị trường cổ phiếu ô tô sẽ sớm được cải thiện. Từ cuối tháng 8, chỉ số MSCI ACWI của ngành sản xuất ô tô đã leo lên mức cao tương đối trong bảy tháng so với toàn thị trường. Chỉ số MSCI ACWI là chỉ số về vốn chủ sở hữu toàn cầu do Morgan Stanley thiết lập, phản ánh hiệu suất của 2.900 thành phần thuộc 11 lĩnh vực tại 50 thị trường.
Các nhà sản xuất ô tô như Tesla Inc. và Toyota Motor Corp. dường như đang xử lý tình trạng thiếu hụt chip tốt hơn những hãng khác. Trong đó, Toyota đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 1,4% trong quý gần nhất.
Tineke Frikkee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu của Waverton Investment Management cho biết: “Toyota đã quản lý nguồn cung chip của họ rất tốt cho đến thời điểm hiện tại”, bởi vì họ đã có kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ với nhà cung cấp sau khi trận động đất đầu năm nay làm hoạt động sản xuất phải tạm dừng.
Ngành bán lẻ
Việc cổ phiếu của Bellwether Bed Bath & Beyond Inc. sụt giảm 65% kể từ đầu tháng 6 là minh chứng cho những vấn đề mà các nhà bán lẻ trên toàn cầu đang gặp phải, với nhiều điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cũng như lượng hàng dự trữ cho mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm. Các công ty đã cắt giảm dự báo về doanh số và lợi nhuận khiến chỉ số chung của toàn ngành giảm điểm.
Nhà phân tích Cristina Fernandez của Telsey Advisory Group cho biết, những thách thức sẽ tác động “ở mức khiêm tốn” đến biên lợi nhuận của thị trường chứng khoán trong quý thứ ba và có ảnh hưởng đáng kể hơn trong quý tiếp theo.
Vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn do các nhà máy đóng cửa. Nike Inc. đã hạ dự báo doanh số bán hàng vào cuối tháng 9 do phải tạm ngừng sản xuất ở Việt Nam, khi hàng chục nghìn công nhân bỏ việc về quê sau đợt dịch bùng phát tại TP.HCM. Các doanh nghiệp khác như Deckers Outdoor Corp., Skechers U.S.A. Inc., Adidas AG và Under Armour Inc. cũng bị ảnh hưởng nặng khi có ít nhất một phần tư sản lượng tại Việt Nam,
Theo nhà phân tích Tom Nikic của Wedbush Securities: “Các cổ phiếu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất đã giảm trung bình 20% kể từ giữa tháng 8”.
Nguyên vật liệu
Nguồn cung bị suy giảm khiến chi phí nguyên liệu thô thậm chí còn cao hơn đối với các doanh nghiệp đã giải quyết xong vấn đề hậu cần.
Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á tại BNP Paribas Asset Management, cho biết: “Sự gián đoạn nguồn cung tiếp theo là do vấn đề năng lượng. Nguồn cung hàng hóa sẽ tiếp tục giảm nếu việc cắt giảm năng lượng luân phiên tại các nhà máy trở nên phổ biến hơn”.
Chỉ số Global Earnings Revision của Citigroup - một thước đo toàn cầu về chênh lệch giữa các lần điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận của giới phân tích – đang giảm mạnh về mức âm sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5.
Giá bông tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào thứ Năm tuần trước, trong khi chính sách giảm phát thải carbon ở Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng than trầm trọng và giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng vọt.
Trong khi đó, Willem Sels, Giám đốc đầu tư của HSBC Holdings Plc, cho biết tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá dầu cao sẽ là điều tích cực đối với các nhà sản xuất năng lượng xanh, xe điện, ngành pin và toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng xanh.
Các ngành khác
Các công ty trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ chứng kiến tác động từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vào cuối tháng này. Trong khi đó, các siêu thị cho đến các chuỗi bán lẻ và các tập đoàn thương mại điện tử đều đang phải đối phó với tình trạng thiếu tài xế xe tải và thiếu container ở nhiều nơi trên thế giới. Giá vận chuyển bằng container đã tăng cao kỷ lục trên toàn càu.
George Ball của Sanders Morris Harris cho biết: “Cổ phiếu các ngành công nghiệp, thực phẩm và xây dựng sẽ cho thấy rõ hơn mức độ thiệt hại do tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong các báo cáo sắp tới”.
-
Chi phí vận chuyển tăng 5 lần, nước Mỹ đối diện lạm phát do tắc nghẽn chuỗi cung ứng kỷ lục
Các nhà quản lý dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng nhộn nhịp nhất của Mỹ sẽ tiếp tục đến năm tới, khi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ tìm cách bổ sung nguồn cung hàng hóa cạn kiệt do đại dịch và nhu cầu mua sắm cao kỷ lục.
-
Bom nợ bất động sản Trung Quốc làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới
Một làn sóng lo sợ về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tràn qua các thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tuần này khi Evergrande có nguy cơ vỡ nợ. Các nhà đầu tư e ngại sự kiện này có thể gây áp lực lên các công ty Trung Quốc và giá hàng hóa quốc tế.
-
Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD
Hai tỷ phú hàng đầu Ấn Độ, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani, đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ "centibillionaire" (những người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD).
-
Myanmar muốn gia nhập BRICS, Nam Phi phủ nhận kế hoạch tạo đồng tiền chung
Trong bối cảnh BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mở rộng thành viên và đẩy mạnh ảnh hưởng toàn cầu, Myanmar vừa tuyên bố mong muốn trở thành thành viên của khối này....
-
Mỹ sắp đưa 140 công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách hạn chế
Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2022, Washington triển khai các chính sách nhằm kìm hãm tham vọng công nghệ c...