Do cần tiền làm ăn, ông Trị có ý định chuyển nhượng hai thửa đất trên nên nhờ “cò” VTT làm môi giới với giá bán là 11,5 triệu đồng/m2, tổng cộng khoảng 4,6 tỉ đồng. Để việc chuyển nhượng nhanh chóng và thuận lợi, “cò” T. đã yêu cầu ông Trị đưa trước các bản chính giấy tờ đất, một số giấy tùy thân và ký khống một số giấy chuyển nhượng. Hai bên có lập biên nhận giao giấy ngày 7-8-2006.
Một tuần sau, “cò” T. ứng trước 500 triệu đồng cho vợ chồng ông Trị làm tin, lập biên nhận và bảo chờ gọi lên ủy ban để làm thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Trị chờ mãi không thấy “cò” T. liên lạc. Họ tìm nhiều cách liên hệ với “cò” T. cũng không được. Đến ủy ban, ông Trị mới biết hai thửa đất của mình đã bị bán, sang tên cho vợ chồng ông TND. Trước đó, hai thửa đất còn được chuyển nhượng giữa mẹ của ông D. với Công ty B.
Ông Trị đã làm đơn tố cáo “cò” T. nhưng công an quận cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa bằng vụ án dân sự. Vì vậy, vợ chồng ông Trị đã khởi kiện vợ chồng ông D. cùng phía Công ty B. ra TAND quận Bình Tân. Ông Trị yêu cầu tòa tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất vô hiệu và trả lại giấy tờ hai thửa đất trên cho vợ chồng ông.
May nhờ tòa cẩn trọng xem xét
Theo TAND quận Bình Tân, trong vụ án này dù ngay từ đầu vợ chồng ông Trị có ý chí bán đất nhưng họ chưa ủy quyền cho “cò” T. thực hiện việc chuyển nhượng. Hành vi của vợ chồng ông Trị và “cò” T. chỉ là hình thức môi giới. Việc vợ chồng ông Trị ký tên sẵn vào các giấy tờ chỉ tạo niềm tin cho nhau, chưa đủ cơ sở khẳng định ý chí ủy quyền cho người môi giới được toàn quyền thay mặt chuyển nhượng. Cũng vì lẽ đó, “cò” T. mới đồng ý đưa ngay cho vợ chồng ông Trị 500 triệu đồng nhận cọc.
Về hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Công ty B. với mẹ ông D. thì theo thừa nhận của các đương sự, đây chỉ là thủ tục ban đầu nhằm tạo niềm tin, xem như giao kết làm cơ sở cho việc ký hợp đồng chính thức. Từ hợp đồng này, mẹ ông D. mới tin tưởng giao gần như toàn bộ số tiền mua đất. Dù chỉ là hình thức nhưng hoàn toàn không có sự ủy quyền của ông Trị, đồng thời Công ty B. cũng không có chức năng kinh doanh bất động sản nên hai hợp đồng này vô hiệu do lỗi của hai bên.
Ðối với hợp đồng ký kết giữa vợ chồng ông D. với vợ chồng ông Trị, xét về hình thức thì hợp đồng này bị lừa dối ngay từ ban đầu bởi lẽ hai chủ thể có quyền quyết định đến việc chuyển nhượng đất đã không trực tiếp gặp nhau để thỏa thuận. Hai bên không hề giao nhận tài sản, tiền bạc với nhau. Trong khi pháp luật quy định rất rõ và chặt chẽ về thủ tục chuyển nhượng của loại hợp đồng này. Cũng chính việc này đã tạo kẽ hở cho người môi giới gian dối.
Hơn nữa, UBND phường Bình Trị Đông và các cán bộ liên quan trực tiếp giải quyết việc chuyển nhượng đều thừa nhận lỗi, bị kỷ luật vì có sai sót trong quy trình thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên. Vợ chồng ông Trị vẫn chưa làm thủ tục giao đất cho vợ chồng ông D. mà hai người này chiếm giữ là không đúng. Do đó đủ cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất vô hiệu. Vợ chồng ông Trị được trả lại quyền sử dụng đất là có cơ sở.
Từ đó, tòa đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Trị.