03/08/2010 9:15 AM
Nếu suy thoái kép, nền kinh tế chỉ mất vài phần trăm tăng trường. Nếu thị trường trái phiếu chính phủ sụp đổ, nước Mỹ sẽ mất tất cả.
Suy thoái kép đã phải là tai họa lớn nhất?

Người viết là ông Sebastian Mallaby, cộng tác viên cao cấp tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ

Cuộc tranh luận về gói kích thích kinh tế chia nước Mỹ làm hai phe.

Chính quyền Obama khăng khăng rằng không kích thích, suy thoái kép sẽ ập tới.

Phía bên kia vặn lại: kích thích tiếp sẽ làm giới đầu tư hoảng sợ rồi bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.

Phe Obama dẫn ra các dữ liệu kinh tế nghèo nàn gần đây và cho rằng có nguy cơ đà phục hồi đang chậm lại.

Phe đối lập nhắc nhở rằng năm ngoái thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ tụt dốc đầy đe dọa và người ta đồn rằng NHTW các nước khác đã mệt mỏi với việc tài trợ cho thâm hụt của Mỹ.

Trước thế lưỡng nan đầy khó khăn ấy, một số người Mỹ thường hỏi: “Nếu là Chúa, Người sẽ làm gì?”. Trong trường hợp này, nên hỏi một câu khác: “Nếu là Quỹ đầu cơ, Người sẽ làm gì?”

Thường thì giới đầu cơ không chỉ tính toán xác suất của các kịch bản khác nhau; họ còn xem xét tính chất nghiêm trọng của mỗi kịch bản nữa.

Nếu một giao dịch viên nghĩ rằng xác suất tăng và giảm là ngang nhau, nhưng mức độ giảm sẽ lớn hơn bất kỳ mức độ tăng nào có thể xảy ra, giao dịch viên đó sẽ nắm lấy cơ hội và đặt cửa thị trường mất điểm.

Logic của giới đầu cơ có thể áp dụng cho cả cuộc tranh luận về gói kích thích này.

Dù cho xác suất suy thoái kép và thị trường trái phiếu sụp đổ là ngang nhau, thảm họa trên thị trường trái phiếu có lẽ sẽ có hậu quả lớn hơn. Do đó, nên thận trọng thay vì kích thích tiếp.

Tại sao thị trường trái phiếu sụp đổ lại đáng sợ hơn?

Đầu tiên, quá trình điều chỉnh sẽ khó khăn hơn. Nếu suy thoái kép sắp tới, nó sẽ được báo động bởi các số liệu kinh tế được đưa ra tuần tự. NHTW sẽ có thời gian phản ứng, thậm chí là đủ cả thời gian để cân nhắc lại chuyện có nên kích thích hay không.

Chắc chắn là các gói kích thích tài khóa tiền tệ đều có độ trễ nên lý tưởng nhất là phải ra tay trước một bước. Nhưng thị trường sụp đổ (vốn bất ngờ và tàn khốc) còn nguy hại hơn nhiều so với kích thích chậm một chút.

Một khi khủng hoảng nổ ra, giá trái phiếu giảm đẩy chi phí vay nợ của nhà nước lên cao sẽ cộng hưởng cùng tình hình ngân sách bộn bề hiện nay.

Dù cho IMF và các đồng nghiệp của mình đôi khi có thể chặn đứng vòng xoáy hủy diệt sau đó ở một quốc gia nhỏ như Hy Lạp thì họ cũng đành bất lực trước thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá tới 8.600 tỷ đôla.

Hơn thế nữa, một cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có khả năng tàn phá khủng khiếp hơn nhiều so với chỉ mất đi 2 hay 3% sản lượng.

Chắc chắn mất mát sản lượng cũng không dễ chịu gì, đặc biệt là vì người lao động thất nghiệp quá lâu thường mãi mãi nản lòng.

Nhưng nếu tài sản tiết kiệm của cả thế giới bị nghi ngờ, không biết bao nhiêu hậu quả khôn lường sẽ lan khắp toàn cầu, cả về tài chính lẫn chính trị.

Đâu đâu giới đầu tư cũng chới với.

Họ đã thiết kế danh mục đầu tư của mình với giả định rằng trái phiếu chính phủ Mỹ là tài sản phi rủi ro; nếu cột mốc ấy sụp đổ, họ sẽ tranh giành những phương tiện lưu trữ giá trị khác như trái phiếu chính phủ Đức hay vàng khiến quan hệ giá cả bình thường trên toàn hệ thống tài chính bị phá vỡ.

Sự mất phương hướng có thể lập lại một đợt đóng băng tín dụng như thời kỳ sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ.

Và không giống như Lehman, chính phủ Mỹ – kiến trúc sư trưởng của kế hoạch giải cứu năm 2008, sẽ phải tự thỏa hiệp với chính mình. Thực sự, mọi chuyện lần này sẽ rất khác.

Hậu quả về mặt chính trị cũng sẽ nghiêm trọng như thế. Nhờ vị thế nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn của trái phiếu nước mình, chính phủ Mỹ được hưởng dòng vốn vào quý giá đúng thời khắc xảy ra căng thẳng địa chính trị.

Dù Nga hay Trung Quốc có phản đối chính sách của Mỹ, thường thì họ lại giúp các chính sách ấy triển khai dễ dàng hơn nhờ đưa tài sản của mình vào ngân khố quốc gia Hoa Kỳ thông qua việc mua trái phiếu. Họ có phản đối cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đi nữa thì thực tế chính họ đã tài trợ cho nó.

Nhờ dòng vốn tìm kiếm sự an toàn trên, Mỹ đã có thể quyết định các chính sách quân sự và đối ngoại mà không sợ không kiếm được nguồn vốn.

Nếu trái phiếu chính phủ Mỹ mất tín nhiệm, lãnh đạo nước Mỹ có thể sẽ không còn được phép coi đặc quyền ấy là chuyện đương nhiên nữa.

Nói tóm lại, một cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ không khác gì một cơn đại địa chấn mà chỉ nghĩ tới nó không thôi cũng khiến các nhà hoạch định chính sách run sợ.

Rủi ro ấy tuy là rất nhỏ nhưng cũng đáng để đánh động các cơ quan hoạch định chính sách. Cuộc tranh luận về vấn đề kích thích kinh tế nên cân nhắc tới hậu quả khủng khiếp của kịch bản ấy.

Cafeland.vn
Theo Economist

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.