23/01/2024 7:04 PM
Thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng trong năm vừa qua.

Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 vừa mới bắt đầu, đã có nhiều doanh nghiệp rục rịch công bố kết quả kinh doanh. Bên cạnh những doanh nghiệp báo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt thì cũng có không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quý này.

Với ngành xi măng, các doanh nghiệp ngành này đang đứng trước khó khăn nhất trong hơn 100 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp xi măng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với kết quả không mấy khả quan, thua lỗ kéo dài.

Vicem Bút Sơn lỗ 96 tỷ đồng

Báo cáo quý 4/2023 của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống 686 tỷ đồng.

Trong kỳ, do sản lượng tiêu thụ thấp và giá vốn bán hàng tăng cao, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Như vậy, đây là quý thứ 5 liên tiếp Vicem Bút Sơn kinh doanh thua lỗ, tính từ quý 4/2022. Lý giải nguyên nhân thua lỗ, doanh nghiệp này cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý vừa qua giảm 68.879 tấn so với cùng kỳ, kết quả làm lợi nhuận gộp giảm hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Với việc cả 4 quý không có lợi nhuận, lũy kế cả năm 2023, Vicem Bút Sơn lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 54 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh tệ nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2014.

Vicem Hải Vân lỗ 64 tỷ đồng

Tương tự, CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (mã chứng khoán HVX) báo cáo quý 4/2023 bị thua lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 250 triệu đồng. Điều này khiến lũy kế cản năm 2023, Vicem Hải Vân bị lỗ sau thuế hơn 64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 1,8 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, ban lãnh đạo Vicem Hải Vân cho rằng do nhu cầu thị trường xây dựng về xi măng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên rất thấp trong quý 4/2023, khiến tổng doanh thu của công ty chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Vicem Hoàng Mai lỗ 31 tỷ đồng

Không ngoại lệ, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã chứng khoán HOM) đạt doanh thu trong quý 4/2023 với mức 469 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 6 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này (quý 3/2023 lỗ hơn 26 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân, Vicem Hoàng Mai cho biết giá bán xi măng nội địa và xuất khẩu trong kỳ lần lượt giảm 72.000 đồng/tấn và 113.000 đồng/tấn so với cùng kỳ. Đồng thời, giá thu về clinker cũng giảm 135.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, giá điện năm 2023 tăng 2 lần cũng làm thu hẹp lợi nhuận của công ty.

Lũy kế cả năm 2023, Vicem Hoàng Mai bị thua lỗ hơn 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 21 tỷ đồng.

Vicem Hà Tiên chạm đáy lợi nhuận 10 năm

Trong khi đó, dù không thua lỗ như các doanh nghiệp trên nhưng CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) báo doanh thu quý 4/2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.783 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong giai đoạn này chỉ còn hơn 54 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Dù kết quả quý 4 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung cả năm 2023, Vicem Hà Tiên chỉ lãi vọn vẹn 17 tỷ đồng, giảm hơn 93% so với mức thực hiện năm 2022. Doanh thu trong năm vừa qua cũng giảm 21%, đạt hơn 7.000 tỷ đồng,

So với kế hoạch đề ra, Vicem Hà Tiên mới thực hiện được 78% chỉ tiêu tổng doanh thu và 6% chỉ tiêu lãi sau thuế. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty xi măng này trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ năm 2014.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ hơn 500 tỷ đồng

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) mới đây, doanh nghiệp này cho rằng 2023 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành xi măng do tác động của sự suy giảm nhu cầu xây dựng toàn cầu, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục khiến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ hơn 500 tỷ đồng trong năm 2023

Theo đó, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của Vicem đạt 22,6 triệu tấn, giảm 18% so với thực hiện năm 2022. Riêng tiêu thụ xi măng trong năm 2023 ở mức 20,4 triệu tấn, giảm 16,7% so với thực hiện năm trước.

Với sản lượng trên, doanh thu của Vicem ghi nhận trong năm 2023 đạt 30.169 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm và giảm hơn 23% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ lỗ hơn 500 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.476 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, Vicem cho rằng nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, nguồn cung xi măng vượt xa cầu, một số dây chuyền mới dự báo đi vào sản xuất như Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn, cạnh tranh thị trường xi măng ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó.

“Do rất khó đoán định về tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi nên Vicem và các đơn vị thành viên đang đánh giá kỹ lưỡng các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa các chi phí để phấn đấu xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 ở mức cao nhất có thể”, Vicem cho biết.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.