Bỏ ra hơn 4 tỷ đồng mua một căn nhà ở phường Định Công (Hà Nội), giữ trong tay sổ đỏ, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và toàn bộ giấy tờ chứng minh người bán đã nhận đủ tiền nhưng ông Trịnh Công Du chỉ có thể đứng ở ngoài nhìn ngắm tài sản của mình.
Ông Trịnh Công Du bức xúc cho biết: “Năm 2009, tôi có mua căn nhà với số tiền là 4 tỷ. Tôi đến mua có công chứng, có hợp đồng mua bán và chuyển đổi sổ đỏ nhưng đến giờ tôi vẫn không nhận được nhà vì căn nhà này đã bị đem cầm đồ và do chủ hiệu quản lý”.
Mặc dù có đầy đủ giấy tờ mua nhà đất nhưng đến nay ông Du vẫn chưa nhận được nhà.
Ông Du làm đơn kiện người bán là bà Nguyễn Thị Phượng. Trong bản tường trình dài 9 trang, bà Phượng giải thích đã vay hơn 1 tỷ đồng của một tiệm cầm đồ và thế chấp bằng hợp đồng chuyển nhượng căn nhà có công chứng cho chủ tiệm.
Tuy nhiên, do bà Phương chưa trả hết nợ nên chủ tiệm cầm đồ vẫn giữ căn nhà này và cho thuê làm nhà nghỉ. Còn ông Du dù có đầy đủ giấy tờ hợp lệ nhưng vẫn bị phòng địa chính từ chối sang tên vì nhận được đơn báo căn nhà đang có tranh chấp.
Nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao trong các vụ một nhà bán cho hai chủ, người bán lại luôn có giấy tờ gốc trong tay. Theo luật sư, trong các vụ cho vay tín dụng đen thì chính người cho vay sau khi có hợp đồng công chứng thường đưa lại giấy tờ nhà để người đi vay bán cho người khác và thu tiền trả cho họ. Sự việc chỉ vỡ lở khi người bán không trả hết nợ.
Còn trong các vụ người bán nhà có chủ ý lừa đảo thì cũng có 1001 thủ đoạn lấy lại giấy tờ nhà đất.
Ông Tuấn Đạo Thanh, Phòng Công chứng số 1 cho biết: “Có trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận bên bán sẽ là người đi nộp thuế và có trách nhiệm sang tên thì họ hoàn toàn lợi dụng lý do đó để mượn lại bản chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoặc khi đã hoàn tất giao sổ nhưng họ vẫn lấy lý do đi sao thêm để chứng minh về thu nhập, chứng minh cắt điện nước... đưa ra rất nhiều lý do khác nhau để lấy sổ gốc”.
Sự thật nào đằng sau các vụ một nhà bán cho nhiều chủ này chỉ cơ quan công an mới đủ thẩm quyền và chức năng làm rõ. Nhưng rõ ràng trong tất cả các vụ việc, người bán đều cao chạy xa bay sau khi đã nhận hai lần tiền, còn những người mua thì ở lại tranh giành nhau quyền sở hữu.