Cụ thể, từ đầu năm đến nay các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 8-11% so với USD, nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-7%. Tuy nhiên, VND lại là một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD.
Từ đầu năm đến nay, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 nhưng mức tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt.
Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7,0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8/2019, VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm.
Theo SSI, tính riêng tháng 9, tỷ giá USD/VND tăng 10 đồng/USD trên ngân hàng lên mức 23.140 – 23.260 đồng/USD nhưng lại giảm 30 đồng trên thị trường tự do, về mức 23.180 – 23.205 đồng/USD. So với thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá giao dịch VND/VND đã giảm 0,11% trên ngân hàng và khi giảm tới 0,39% trên thị trường tự do.
FDI giải ngân trong tháng 9/2019 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và tăng 60,3% so với tháng trước; lũy kế 9 tháng năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD, vốn FDI đăng ký cũng tăng mạnh lên mức 26,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng 2019 thặng dư cao nhất từ trước đến nay, tới 7,1 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối cũng khá tích cực khiến cho nguồn cung ngoại tệ trong quý 3 rất dồi dào.
Tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, mức tăng tổng cộng 9 tháng 2019 lên tới 335 đồng/USD - tương đương 1,47%, lên mức 23.160 đồng/USD. Tỷ giá điều hành gồm tỷ giá trung tâm, tỷ giá mua vào - bán ra của NHNN đều đang ở mức cao hơn so với tỷ giá giao dịch. “Mức chênh lệch này tạo điều kiện thuận lợi để NHNN mua thêm ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối. Khi nguồn ngoại tệ dư thừa được hút bớt, tỷ giá cuối năm có thể sẽ nhích tăng, tiệm cận về tỷ giá mua vào của NHNN”, SSI nhận định.