Hiện nay cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa.

Sáng 28/10, Quốc hội bước vào ngày thứ hai thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho biết, việc tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, hiện nay cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Ông Huy cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng bắt đầu từ thể chế đang còn những nút thắt, lực cản.

Vì vậy, ông cho rằng, cần có giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi luật Đất đai.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Quochoi

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, chính sách mới trong dự luật lần này đã đề cập đến hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất.

Ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất. Xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Khoảng 18.000ha đất bị lãng phí do dự án chậm tiến độ, dự án treo

Giải trình thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình với những phát biểu, nhận định, đánh giá về những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay.

Báo cáo rõ hơn về vấn đề lãng phí đất đai, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trước đây có hơn 28.100ha đất bị lãng phí do những dự án chậm tiến độ, dự án treo. Thời gian qua đã giải quyết trên 10.000ha, hiện nay còn khoảng 18.000ha.

“Nguyên nhân có rất nhiều nhưng thứ nhất do vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, do quy hoạch đang thay đổi; các nhà đầu tư kém năng lực không thể triển khai dự án; trong quá trình xử lý các quy định pháp luật đất đai và các quy định liên quan có những khoản chồng chéo; dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của Ủy ban kiểm tra”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Quochoi

Từ những vướng mắc nói trên Chính phủ đã lập đề án tập trung cho 4 thành phố có trên gần 2.000 dự án như vậy đang vướng mắc để đề xuất cấp có thẩm quyền.

Nguyên tắc được ông Hà nhấn mạnh là không làm thất thoát tài sản Nhà nước, không để lợi dụng chính sách hợp thức hóa sai phạm, không ảnh hưởng đến bên thứ 3 ngay tình, tức các dự án liên quan đến hàng nghìn hộ dân.

Đối với việc đảm bảo tránh lợi ích nhóm, trục lợi từ chính sách, ông Hà cho biết Luật đất đai lần này sẽ tập trung các vấn đề quy hoạch, kế hoạch, định giá. Hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá trên cơ sở công khai, minh bạch.

Theo ông Hà cho rằng, việc định giá đất hiện nay được quy định trong luật. Tuy nhiên khung giá, bảng giá đất hiện nay không sát thị trường; phương pháp định giá, xác định giá không chính xác. Vì thế khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành, có “đầu vào” chính xác, phương pháp định giá mới phù hợp sẽ thay đổi được những bất cập hiện nay. Chính vì vậy, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để định giá được chính xác.

Chủ đề: Luật Đất đai 2013,
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.