Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu chưa được kiểm soát có hiệu quả, với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, thì có nhiều điểm sáng.
Tuy nhiên, đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó với giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro,…
Ngoài ra, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Sau khi cơ quan chức năng xử lý một số doanh nghiệp khiến người dân, doanh nghiệp bất an, điêu đứng vì trót tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trên...
“Đây là một trong những thách thức rất lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023”, đại biểu cho biết.
Xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, có hai nguyên nhân chính. Trong đó chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các vấn đề, đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai.
“Một trong những vấn đề dễ sai nhất, đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác”, đại biểu Thông cho biết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Thông dẫn chứng tại phiên chất vấn của UBTV Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường liên quan đến đấu giá đất, tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu quan tâm, Bộ trưởng có phát biểu, phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư số 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên-Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.
Tuy nhiên, đến nay, các quy định trên vẫn chưa sửa đổi và thực tế ở các địa phương có nhiều dự án lớn và rất lớn vẫn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư, nếu Chính phủ không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành..
Lãng phí đất đai là một thực trạng đáng nhức nhối
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh kết quả đạt được thì chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, dù số thu ngân sách tăng nhưng số tăng thu từ thị trường sơ cấp 67% là tiền sử dụng đất, hơn 15% là tiền thuê đất. Số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không cao.
Lãng phí đất đai cũng là một trong những thực trạng đáng nhức nhối. Theo báo cáo của Bộ Tài chính trên toàn quốc có hơn 743 triệu m2 đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích.
Tuy nhiên, số tiền thu được rất thấp - chỉ 286 tỉ đồng. Qua giám sát 7 địa phương, có 1.739 dự án được coi là treo, tương ứng hơn 12 nghìn ha đất.
Theo đại biểu, ngoài nguyên nhân của hệ thống pháp luật, vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả quản lý đất đai.
Qua giám sát cho thấy, bên cạnh nhiều địa phương tích cực thu hồi diện tích đất hoang hóa, thì vẫn còn những địa phương sau mỗi nhiệm kỳ số lượng các dự án treo lại tăng thêm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Quochoi.vn
Cùng đó là có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai. Dẫn nội dung báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu cho biết có biểu hiện lợi ích nhóm tại một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu, giao đất không qua đấu giá.
Đại biểu đã chỉ ra, hiện nay việc giải quyết vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà của nhiều bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, khi có vướng mắc các địa phương gửi văn bản đề nghị có ý kiến của các bộ, ngành thì nhận được câu trả lời là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”. Ngay cả khi pháp luật không có quy định hoặc có quy định khác nhau thì câu trả lời vẫn là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”. Điều đó cũng gây bức xúc và thất vọng với nhiều địa phương.
Chính tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm cũng tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền. Và cũng rất dễ hiểu tại sao, đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc.
Đại biểu cũng nhìn nhận, đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được ngay các vướng mắc. Tuy nhiên, người dân vẫn mong chính quyền quyết liệt hơn nữa trong xử lý vướng mắc về đất đai. Cần đưa ra lộ trình cụ thể, thời hạn cụ thể và nghị quyết hóa vấn đề này.
Về thể chế, tại Kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện đang có nhiều vấn đề mới, ý tưởng mới được đưa ra, các nội dung đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có trọng tâm, trọng điểm.
-
Định giá đất thấp, dự án đình trệ, kẽ hở cho đầu cơ
Giới chuyên gia cho rằng giá đất bồi thường chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế gây trở ngại cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo kẽ hở cho tham nhũng, đầu cơ đất đai.