05/04/2012 2:47 PM
Tính đến thời điểm này, Hà Nội còn khá nhiều khu tập thể (KTT) cũ và xuống cấp nghiêm trọng. Những khu nhà này đã tồn tại qua… 2 thế kỷ, nghĩa là được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Công bằng mà nói, các KTT cũ của Hà Nội đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh đẹp về đô thị XHCN những ngày đầu.

Được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các KTT phục vụ cán bộ công nhân viên hưởng lương từ ngân sách - bộ phận dân số chiếm số đông vào thời điểm đó. Được phân nhà hay mua với giá rẻ tại các KTT có thể coi là niềm tự hào với những ai từng trải qua thời bao cấp đầy khó khăn nhưng cũng rất đáng nhớ ấy.


Khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 982 nhà tập thể cũ 4 - 5 tầng do thành phố quản lý. Trong số đó có 11 KTT xếp hạng D (hạng đặc biệt nguy hiểm) cần phải cải tạo. Tuy nhiên, đến nay mới có duy nhất dự án B14 Kim Liên hoàn thành xây mới, 10 KTT nguy hiểm khác vẫn loay hoay vì vướng ngay từ khâu đầu tiên là giải phóng mặt bằng.


Nhiều KTT nguy hiểm đã có quyết định của thành phố phải cải tạo từ 7 - 10 năm trước nhưng nay vẫn “nằm im” như các KTT Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Mai, Giảng Võ, Thành Công… Điển hình như KTT Nguyễn Công Trứ, dù được Hà Nội coi là dự án thí điểm thực hiện cải tạo từ năm 2002 để xây lại nhưng hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”.


Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do các dự án không giải phóng được mặt bằng bởi người dân đòi diện tích tái định cư tại chỗ tăng gấp từ 1,5 - 2 lần, cao hơn so với quy định của thành phố (1,3 lần) mới chịu di dời. Theo đó, nếu đáp ứng yêu cầu của dân thì cải tạo một khu nhà 5 tầng, chủ đầu tư phải xây 10 tầng trả cho dân và xây thêm 10 tầng nữa mới có lãi.


Tuy nhiên, theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu vực 4 quận nội thành không được xây cao tầng để hạn chế áp lực dân cư lên cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ công cộng. Vì cái sự vướng này mà các dự án cải tạo KTT chỉ nằm trên giấy cũng là điều dễ hiểu.


Bộ Xây dựng đã nhiều lần họp bàn với các ban, ngành để tìm ra lối đi cho vấn đề này. Quan điểm của Bộ Xây dựng là Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm chứ không phải doanh nghiệp đứng ra cải tạo các KTT.


Cùng thời gian, Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, coi Nhà nước là chủ đầu tư. Nếu dọn đến nơi ở mới thì người dân sẽ được khuyến khích và ở diện tích rộng hơn, còn nếu vẫn có nhu cầu ở khu cũ thì diện tích căn hộ sẽ không được tăng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả.


Đồng thời, mở rộng chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở phi hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho nhóm đối tượng khó khăn, không có khả năng chi trả. Chỉ có như vậy, những KTT cũ của Hà Nội và các thành phố lớn mới có cơ hội được cải tạo, xây mới, mang lại sự khang trang, hiện đại cũng như những tiện ích cho người dân sống ở đây

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.