Đón sóng, bắt sóng là những từ ngữ mà nhà đầu tư thường hay sử dụng để nói về việc nắm bắt các cơ hội đầu tư trên thị trường bất động sản. Trong số các địa phương tại Miền Trung, Khánh Hòa đang phát đi những tín hiệu tích cực với những dự án bất động sản quy mô lớn.

Nhiều dự án quy mô lớn

Ngày 9/3 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại, tập trung chủ yếu tại thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh.

Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh có 115 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 65.936 tỉ đồng và có tổng diện tích đất ở khoảng 6.158ha.

Trong đó, 69 dự án khu dân cư, khu đô thị có tổng diện tích đất 5.934ha, với tổng diện tích sàn khoảng 18,6 triệu m2; 14 dự án khu biệt thự diện tích đất 152ha, với tổng diện tích sàn 435.809m2; 12 dự án khu chung cư và trung tâm thương mại có tổng diện tích đất 71,55ha, với tổng diện tích sàn 383.951m2.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở vừa được điều chỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa sẽ nâng tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 10,7 triệu m2 sàn, tương đương với 133.427 căn. Trong đó, diện tích nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 4 triệu m2 sàn, tương đương 46.426 căn.

Cũng trong giai đoạn này, dự báo nhu cầu nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại thành phố Cam Ranh với 16.705 căn, huyện Cam Lâm với 9.698 căn, thành phố Nha Trang với 8.647 căn, thị xã Ninh Hòa với 4.846 căn, huyện Vạn Ninh với 3.441 căn.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển nhiều dự án nhà ở thương mại có quy mô đầu tư lớn.

Đơn cử, tại thành phố Nha Trang có 98 dự án. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như đầu tư phát triển đảo Hòn Tre quy mô 3.405 tỉ đồng, chung cư Hoàng Đế quy mô 1.000 tỉ đồng, khu đô thị Thái Tông quy mô 2.034 tỉ đồng, khu đô thị thương mại dịch vụ Phượng Hoàng quy mô 2.993 tỉ đồng, khu đô thị Đồi Đất Lành quy mô 8.717 tỉ đồng, khu đô thị Vĩnh Điềm Trung quy mô 2.146 tỉ đồng, khu biệt thự phức hợp Phúc Sơn quy mô 4.500 tỉ đồng, khu dân cư cồn Tân Lập quy mô 2.719 tỉ đồng.

Tại thành phố Cam Ranh có 18 dự án gồm khu đô thị ven vịnh Cam Ranh quy mô 42.269 tỉ đồng; đô thị mới Cam Lâm quy mô 1.610ha.

Ngoài ra, tại thị xã Ninh Hòa có 30 dự án, huyện Cam Lâm có 27 dự án, huyện Vạn Ninh có 15 dự án, huyện Diên Khánh có 17 dự án, huyện Khánh Vĩnh có 11 dự án, huyện Khánh Sơn có 6 dự án.

Danh mục phát triển các dự án nhà ở thương mại tại kế hoạch phát triển nhà ở nêu trên là cơ sở để tính toán chỉ tiêu của chương trình phát triển nhà ở. Việc chấp thuận dự án đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư sẽ được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở.

Đón sóng đầu tư

Liên tiếp trong hai ngày 28 và 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong và quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hai quy hoạch mới nói trên đã và đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa nói chung, Khu kinh tế Vân Phong nói riêng, trong đó có lĩnh vực phát triển bất động sản.

Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Khánh Hòa đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP.

Quy hoạch cũng xác định ba vùng động lực phát triển tại tỉnh Khánh Hòa gồm khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có hai đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), một đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), một đô thị loại III, hai đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Tương tự quy hoạch nói trên, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong sẽ có các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó còn có khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.

Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang. Khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn có diện tích 176ha. Các khu vực sân golf khác có tổng diện tích khoảng 479ha.

Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định phát triển dân cư đô thị có tổng diện tích khoảng 5.396ha; các khu vực phát triển dân cư hỗn hợp (dân cư, dịch vụ) có tổng diện tích khoảng 173ha; các khu dân cư nông thôn có tổng diện tích đất khoảng 1.418ha.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Ngày 27/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản. Thủ tướng chỉ đạo các bộ và UBND các tỉnh, thành phố bám sát tinh thần của Nghị quyết 33 nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan liên quan, và cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc thị trường bất động sản.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân,...

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.