Khác hẳn với phân khúc tiêu thụ trong dân - tức là cuộc “đại chiến” của hàng chục hãng sơn nhỏ, thậm chí là với cả hàng giả, hàng nhái, thì cuộc cạnh tranh để vào được các công trình lớn cũng như đại lý ở các tỉnh, thành phố lại là cuộc chiến của các hãng sơn có tên tuổi.

Bạt ngàn thương hiệu sơn tham gia thị trường Việt

Một nghiên cứu thị trường mới đây cho biết, thị trường sơn cả nước tăng trưởng trung bình từ 11-12%/năm.

Người tiêu dùng biết đến các hãng sơn thương hiệu ngoại hơn các thương hiệu nội địa. Thị trường sơn tại Việt Nam có khoảng 60 nhà sản xuất, gồm cả trong nước và nước ngoài, trong đó chỉ có khoảng 10 nhà sản xuất sơn cao cấp. 10 hãng sơn này chiếm đến 65% thị phần, 35% thị phần còn lại thuộc về cuộc cạnh tranh khốc liệt của hàng chục hãng sơn nhỏ khác nhau. Mức giá sơn cao cấp khoảng 60.000 - 75.000 đồng/lít, trung cấp khoảng 20.000 đồng/lít, còn thấp cấp chỉ chừng 9.000 đồng/lít.

Dạo quanh các cửa hàng bán sơn, dễ nhận thấy sơn ngoại vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Các thương hiệu “ngoại” như Nippon, 4 Oranges (với các nhãn hiệu sơn Mykolor, Boss, Spec, Expo), ICI (Dulux), Jotun, Nippon… chiếm đa số trên các kệ trưng bày tại các cửa hàng.


Bạt ngàn các loại sơn có mặt trên thị trường Việt hiện nay

Nói đến sơn nội, có thể kể đến thương hiệu như sơn Bạch Tuyết, Đồng Nai, Đồng Tâm, Hòa Bình, Đại Bàng, Alphanam… Sở dĩ các doanh nghiệp trong nước cũng “vào cuộc” là vì thị trường bất động sản đang ngày càng “nóng”, với những công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Các sản phẩm liên quan đến xây dựng cũng “sốt” không kém, và sơn là một trong số đó.

Thương hiệu Đồng Tâm, lâu nay vốn nổi tiếng với các sản phẩm gạch ốp lát các loại, ngói màu… nay cũng sản xuất sơn trang trí nội - ngoại thất, sơn lót, bột trét… Đồng Tâm vốn chuyên sản xuất sản phẩm trang trí nội - ngoại thất, nay tham gia sản xuất sơn cũng dễ hiểu. Đến như Alphanam - một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, hoạt động xây lắp và sản xuất công nghiệp cũng tham gia sản xuất sơn thì mới thấy, thị trường sơn nước đang trở nên rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại lý sơn nước, các doanh nghiệp sản xuất sơn trong nước mới chỉ khai thác ở mảng sơn trang trí nội - ngoại thất, chủng loại sơn chưa nhiều, chưa chuyên nghiệp và chưa chú trọng đến khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm nên chưa thể “lấy lòng” người tiêu dùng Việt. Và vì vậy, thị trường sơn trong nước vẫn tiếp tục là “mảnh đất” màu mỡ của sơn ngoại, với những tên tuổi quốc tế đã được khẳng định như Nippon, 4 Oranges, ICI, Jotun…

Chất lượng có được như quảng cáo?

Do đặc thù của ngành xây dựng, người tiêu dùng thường giao trọn gói cho các công ty tư vấn thiết kế xây dựng, nhà thầu hay thợ. Từ đó, các hãng sản xuất sơn đã tổ chức hệ thống đại lý bán sỉ/lẻ. Mỗi hãng có đến vài trăm đại lý, trải dài khắp cả nước và lo “chăm sóc” các đối tượng nói trên là chủ yếu. Ngoài ra, mỗi hãng còn những chiến lược riêng, như dùng quảng cáo và khuyến mãi lớn - trúng xe hơi (Nippon). Nhiều hãng xây dựng hình ảnh bằng dịch vụ cộng thêm như tư vấn, pha màu trên vi tính ngay tại các đại lý (Levis, ICI, Spec, Kova, Jotun…).


Các chiêu thức quảng cáo về sơn trên thị trường khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” giá và chất lượng

Sơn nội hay sơn ngoại đều được quảng cáo là bảo vệ bề mặt (chống mọi tác hại của thời tiết, môi trường, hoá chất…) và làm đẹp công trình.

Về tác dụng bảo vệ bề mặt, so với sơn nội, sơn ngoại chuyên nghiệp hơn nhiều và có đủ chủng loại. Chỉ cần thị sát một vòng quanh thị trường sơn Hà Nội, có thể thấy mỗi loại sơn ngoại đều được giới thiệu có tính năng riêng biệt, như chống rỉ sét, chống thấm, chống cháy, chống nóng, chịu va đập, cản nhiệt, chống rêu mốc, che lấp vết nứt nhỏ, dễ chùi rửa, chống bám bẩn, độ bóng cao… Nói chung, yếu tố bảo vệ bề mặt công trình được khai thác một cách triệt để.

Về tác dụng làm đẹp công trình, để làm đẹp công trình, trong bảng màu sơn trang trí của các thương hiệu ngoại, số lượng màu đã lên đến hàng nghìn, khách hàng có thể tha hồ cho lựa chọn. Ngoài ra, các chiến lược truyền thông, marketing chuyên nghiệp, hiểu sâu sát thói quen tiêu dùng đã giúp các hãng sơn ngoại có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam.


Nhiều người tiêu dùng tỏ ra lúng túng và phân vân trước “ma trận” giá và chủng loại sơn đang có mặt tại các cửa hàng vật liệu xây dựng hoàn thiện hiện nay.

Thực tế cho thấy, với các mặt hàng sơn, rất khó tránh khỏi hàng giả, vì hàng giả hiện được sản xuất rất tinh vi, có khi phải qua một thời gian sử dụng người tiêu dùng mới có thể phát hiện ra.

Bên cạnh đó, các đại lý hiện chỉ tư vấn để khách cá nhân hay dự án chọn loại sơn được chiết khấu cao, có lợi nhuận lớn, chứ không quan tâm nhiều tới chất lượng và uy tín của nhà sản xuất. Do đó, không ít khách hàng đã mua phải hàng kém chất lượng.

Việc kiểm soát các mặt hàng sơn giả, nhái tại Việt Nam hiện rất khó khăn. Mức xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận khổng lồ mà các đối tượng làm giả thu được. Hơn nữa, việc phát hiện, bắt giữ hàng giả, hàng nhái này lại phụ thuộc phần lớn vào các cơ quan chức năng. Nhưng các cơ quan này thì không phải lúc nào cũng đủ sự quyết liệt.

Mặc dù, Thông tư của Bộ Xây dựng đã cấm chỉ định rõ việc sử dụng loại vật tư, nguyên liệu nào trong hồ sơ dự toán. Tuy nhiên hiện nay, các hãng sơn đều sở hữu bộ phận kinh doanh tinh thông tiếp cận các công trình, văn phòng kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… để chào hàng, hoặc để tạo mối quan hệ với mức hoa hồng rất hấp dẫn. Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng cho công trình của mình, khách hàng cần yêu cầu nhà sản xuất có bảo hành, đồng thời chọn cửa hàng sơn đảm bảo uy tín, có cam kết rõ ràng về chất lượng và được các chuyên gia về sơn khuyến cáo sử dụng.

Phương Linh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.