12/09/2013 7:29 PM
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu như vậy trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (12.9) về luật Đất đai sửa đổi.

Ông Phùng Quốc Hiển (bên trái) cảm thấy bị sốc khi người dân bị cướp tiền đền bù đất - Ảnh: Anh Vũ

Đền bù đầy đủ kịp thời cho dân

Bản dự thảo lần này đã ghi nhận được một loạt những nội dung thay đổi so với dự thảo trước đó. Cụ thể, Ban soạn thảo đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người dân, khi đưa vào trong dự thảo sửa đổi các quy định về việc đảm bảo ổn định đời sống của người bị thu hồi đất, thông qua việc bồi thường, trả tiền đầy đủ, kịp thời.

Ban soạn thảo cũng tiếp thu bổ sung các dự án cụ thể được thu hồi đất phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Một trong những nội dung quan trọng, theo báo cáo giải trình, qua tổng hợp lấy ý kiến có 265 đại biểu đồng ý nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển KT-XH, 109 đại biểu không đồng ý. Do vậy, UBTV QH xin cho giữ quy định thu hồi đất cho mục tiêu này.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết sau nhiều lần dự thảo có được một dự án (DA) luật tương đối hoàn chỉnh. Trong bản giải trình, chỉnh lý tiếp thu đầy đủ ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, về thu hồi đất, ông Hiển đồng tình với phương án cho thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH, nhưng để tránh thu hồi tràn lan, luật nên quy định những hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp. Ví dụ, QH, Chính phủ và HĐND được trao hạn mức nào, cụ thể ra sao. Như vậy sẽ hạn chế được việc thu hồi đất tràn lan.

Ông Hiển đồng tình với lập luận trong dự thảo luật, diện tích đất được đầu tư hạ tầng khi đưa vào quy hoạch giá tăng lên, khi thu hồi chỉ thu theo giá trước đó. Bởi chênh lệch lên nhờ quy hoạch, đầu tư hạ tầng thì nhà nước được định đoạt. Tuy nhiên, nhà nước nên điều tiết cho cả người dân.

“Bình thường đất 300.000 đồng/m2, đến lúc đầu tư hạ tầng có thể lên tới 10 triệu đồng/m2, thì nhà nước trừ đi giá trị phần đầu tư, phần chênh lệch còn lại điều tiết. Tính theo tỷ lệ nào đó hỗ trợ cho người dân, người dân sẽ thấy thỏa đáng, dễ chấp nhận hơn”, ông Hiển nói.

“Tôi thực sự bị sốc”

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trước UBTV QH, ông Hiển chia sẻ, ông thực sự bị sốc khi xem trên truyền hình, hình ảnh người dân nghèo tại Quảng Ngãi bị giới đầu cơ cướp tiền đền bù đất trên tay.

Theo ông Hiển, vì sơ hở của luật mà những kẻ đầu cơ biết trước được quy hoạch, kế hoạch đền bù đất cho người dân, chúng đã ngấm ngầm mua lại sau đó chuyển đổi mục đích. Sau khi nhà nước đền bù cho người dân, chúng đến tận nơi để nhận số tiền đền bù cao và chỉ trả cho người dân số tiền theo giá chúng mua rất rẻ từ ban đầu.

“Tôi thực sự rất sốc khi xem hình ảnh trên truyền hình. Người dân vừa được đền bù xong đã có rất nhiều người đến cướp tiền, họ còn đánh nhau ngay trước mặt công an ở Quãng Ngãi. Có người dân được đền bù 153 triệu nhưng đến ngày nhận bị cướp không còn đồng nào, thất thểu đi về, trông hình ảnh rất phản cảm”, ông Hiển chia sẻ và đề nghị, về phần quy hoạch khi sửa luật cần có quy định: Khi đã quy hoạch rồi thì nghiêm cấm mua bán, nhất là vùng, địa bàn của đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi bà con ít hiểu biết về pháp luật.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đồng tình chấp nhận thu hồi đất cho phát triển KT-XH, nhưng cần đặc biệt cần quan tâm rà soát lại làm sao cho rõ bởi hiện tại vẫn còn lẫn lộn giữa thu hồi đất phát triển KT-XH với mục đích quốc gia, lợi ích công cộng.

"Nhiệm vụ của luật phải phân biệt được 2 mục đích này”, ông Lý nói.

Chủ đề: Đền bù - Thu hồi
Anh Vũ (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.