Đó là một nội dung đáng chú ý trong thông tin về hoạt động ngân hàng quý III/2011, được Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 7/10.
Tín dụng đối với nền kinh tế đến 23/9/2011 tăng
8,16% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, giảm 0,94% so với tháng trước,
trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,49%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm
2,27%.
Tổng phương tiện thanh toán đến 23/9/2011 tăng 8,87%
so với cuối năm 2010. Tuy nhiên, giảm 0,86% so với tháng trước; trong đó
tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 0,57% so với tháng
trước và so với cuối năm trước tăng 2,82%.
Trong quý III/2011, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các
giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng nhằm hỗ
trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tiếp tục kiểm soát sự gia
tăng tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm
bảo an sinh xã hội năm 2011.
Điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp
Cụ thể, về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước theo dõi và kiểm soát chặt chẽ cung ứng tiền qua các kênh nhằm kiểm soát tiền tệ chặt chẽ; điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp với nhu cầu của thị trường tiền tệ; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý, chủ yếu là chào mua giấy tờ có giá với lãi suất được điều chỉnh giảm từ 15%-14%/năm, kỳ hạn 7 ngày (từ ngày 19/9 lên 14 ngày); giữ ổn định các mức lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng ở mức 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu 13%/năm; theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ, tình hình thanh khoản và hoạt động của các tổ chức tín dụng để có biện pháp điều hành kịp thời và phù hợp với diễn biến thị trường; tiếp tục cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị
trường I và thị trường II, giữa tổ chức tín dụng thừa và tổ chức tín
dụng thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và
tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban
hành Thông tư số 22/2011/TT-NHNN ngày 30/8/2011 sửa đổi, điều chỉnh một
số quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín
dụng.
Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc
chấp hành trần lãi suất huy động và tình hình triển khai các giải pháp
của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng những
tháng cuối năm 2011 để có biện pháp xử lý phù hợp.
Bình ổn thị trường vàng và ngoại hối
Về hoạt động của thị trường ngoại hối, trong quý
III/2011, do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và đặc biệt
do thị trường vàng sốt giá vào những ngày đầu tháng 8 đã tác động tâm lý
đầu cơ, găm giữ ngoại tệ gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can
thiệp kịp thời với liều lượng và thời điểm thích hợp nên đã nhanh chóng
ổn định tâm lý, góp phần bình ổn thị trường và giải tỏa áp lực lên tỷ
giá.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với diễn biến thị trường; bán ngoại tệ can thiệp kịp thời với liều lượng thích hợp để bình ổn thị trường ngoại hối; đồng thời yêu cầu các Ngân hàng thương mại tăng cường bán ngoại tệ; điều chỉnh tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng kể từ kỳ dự trữ bắt buộc tháng 9/2011; mở rộng đối tượng phải áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài); phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do và chủ động thông tin, tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường.
Tại thời điểm ngày 26/9/2011, tỷ giá bình quân liên
ngân hàng ở mức 20.628 VND/USD, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương
mại phổ biến ở mức 20.830-20.834 VND/USD.
Về thị trường vàng, do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng biến động theo, tuy nhiên mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng để tránh bị giới đầu cơ đẩy giá nhằm mục đích trục lợi. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp xử lý kịp thời.