Săn khách bình dân
Hàng loạt trung tâm thương mại mở cửa cùng với sự khó khăn của nền kinh tế đã khiến cho các chủ đầu tư phải hạ mình. Cách đây không lâu, một hệ thống siêu thị ngoại lớn ở đã mở thêm điểm bán hàng ở Hà Đông - Hà Nội. Khác với hai siêu thị trước đó trên địa bàn Thủ đô, siêu thị mới lại phục vụ khách bán lẻ thay vì bán buôn như tiêu chí của họ đã từng đưa ra.
Một trong những đại gia ngoại trong ngành bán lẻ khác cũng không còn tập trung thị trường các thành phố lớn mà đã chuyển hướng sang các tỉnh lẻ ở phía Bắc như Nam Định, Vĩnh Phúc,...
Thậm chí, để có thêm khách hàng, đơn vị này cũng đã đầu tư thêm xe bus miễn phí về tận các huyện của Nam Định hay sang các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình để đón khách.
Hay mới đây, một TTTM hạng sang tại khu căn hộ cao cấp ở Cầu Giấy - Hà Nội cũng chọn hướng thu hút khách hàng bình dân thay vì tập trung cho khách cao cấp. Mặc dù chủ đầu tư nước ngoài, nằm trong dự án cao cấp nhưng theo chủ đầu tư, đối tượng học sinh sinh viên và những người dân sống quanh đó sẽ là nguồn khách chính của TTTM này.
Xu hướng bình dân hóa
Khủng hoảng kinh tế khiến sức mua của người dân giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa, các TTTM hoạt động đều giảm sút.
Bài học về Grand Plaza hay Hàng Da Galleries ế ẩm, vắng khách, thua lỗ là sự cảnh báo cho không ít chủ đầu tư. Grand plaza đã buộc phải đóng cửa vào cuối tháng 12 để cải tạo, còn Hàng Da Galleries có tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 20%.
Nhiều trung tâm thương mại tự định hình cho mình phân khúc cao cấp, chỉ phục vụ đối tượng nhiều tiền nhưng ngay sau đã phải đối mặt với khó khăn, số gian hàng mở cửa thấp, khách hàng lưa thưa..
Nếu so sánh các TTTM tương tự nhưng hướng vào người tiêu dùng trung cấp và bình dân thì thấy khôn ít trường hợp đã quá kỳ vọng và chọn sai đối tượng khi hướng vào khách cao cấp cồn hạn chế và chịu nhiều cạnh tranh khi các trung tâm dạng này ngày càng mở ra nhiều hơn..
Nói tới TTTM, người ta vẫn nghĩ tới những cái xa xỉ, đắt tiền và chỉ phục vụ đối tượng người giàu nhưng thực tế không phải vậy. Đơn cử như Thái Lan hay Singapore, họ phân rất rõ các TTTM. Ngay trung tâm thành phố Băng Cốc, bên cạnh những TTTM đẳng cấp vẫn có những TTTM chỉ phục vụ cho khách bình dân. Ở Việt Nam, chợ truyền thống vẫn còn rất quan trọng đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Nhận định về khó khăn hiện tại của thị trường, đại diện một đơn vị tư vấn BĐS cũng cho rằng, xu hướng TTTM bình dân sẽ ngày càng tăng mạnh do kinh tế khó khăn và sự hạn chế chi tiêu của người dân. Từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu năm 2008, nhưng liên tục thụt lùi kể từ 2009 và tới năm nay Việt Nam đã ra khỏi bảng xếp hạng top 30.
Nguồn cung trung tâm bán lẻ thời gian tới sẽ được bổ sung từ nhiều dự án mới hạng sang sắp đi vào hoạt động. Áp lực cạnh tranh giữa các TTTM và chuỗi siêu thị ngày càng gay gắt.
Vì thế, các chủ đầu tư Việt Nam cần xác định cho dự án của mình mô hình thương mại tốt, hướng tới lượng khách hàng lớn nhất trên thị trường.