Siêu dự án Bitexco chậm triển khai có bị thu hồi?. Ảnh: Châu Anh
Dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 25/2/2010 về việc chấp thuận thông qua hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng Dự án đường giao thông quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì theo hình thức hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT)
Ngày 17/12/2012, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5873/QĐ- UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3 - tỷ lệ 1/500 và Quyết định số 5874/QĐ- UBND về việc ban hành Quy định Quản lý đồ án theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, tỷ lệ 1/500 với diện tích quy hoạch đô thị là 65,8 ha.
Ngày 25/2/2014 Sở Xây dựng Hà Nội đã có tờ trình số 1058/TTr-SXD báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc chấp thuận đầu tư dự án Nam đường vành đai 3.
Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc ùm tùm.
Trong khi đó theo Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất sẽ bị thu hồi toàn bộ hoặc từng phần dự án được giao,...
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Lý giải về việc chậm tiến độ này, trong công văn gửi báo GDVN, ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc Bitexco cho rằng, dự án chậm triển khai là do sự chậm trễ của các Sở, ban ngành Thành phố Hà Nội chứ không phải do lỗi từ phía Bitexco.
Văn bản của Bitexco nêu rõ: "Từ đó đến nay, Bitexco vẫn đang gấp rút làm việc với UBND TP.Hà Nội và các Sở ban ngành của Thành phố cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế để “xin” phê duyệt chi tiết các hạng mục đầu tư của dự án theo quy định của cấp phép đầu tư, triển khai dự án gồm: Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho diện tích khu đô thị là 65,8ha;
Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, công viên trung tâm, công trình công cộng; Các công trình nhà ở, công trình hỗn hợp… theo quy hoạch được phê duyệt để có thể sớm triển khai dự án.
Đây chính là lý do Bitexco chưa thể chính thức triển khai triển khai Dự án The Manor Central Park".
Như vậy, mặc dù Bitexco đã "gấp rút" làm các thủ tục cần thiết, nhưng đến nay vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội và các Sở ban ngành của thành phố thông qua.
Cũng trong văn bản này, Bitexco cho biết, với mục tiêu dự án có thể triển khai ngay khi các giấy phép nêu trên được hoàn tất, các công việc khác vẫn được tiến hành song song, cụ thể là Bitexco đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích của dự án và đường BT Chu Văn An, đền bù cho gần 1.000 đơn vị và hộ gia đình trong khu vực quy hoạch dự án thuộc phường Đại Kim và xã Thanh Liệt với tổng chi phí đã đầu tư là gần 2.000 tỷ đồng.
"Các công tác bảo vệ khu vực dự án để chống lấn chiếm, tái lấn chiếm, đổ phế thải xây dựng tại khu vực dự án gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường cũng đã và đang được tiến hành", văn bản của Bitexco khẳng định.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong công văn này không nêu rõ lý do vì sao mặc dù Bitexco "gấp rút" xin cấp phép, nhưng UBND TP. Hà Nội và các sở ban ngành vẫn chưa đồng ý? Sở ban ngành nào đang "làm khó" cho Bitexco?
Trao đổi với báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, việc để dự án The Manor Central Park do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ cần nói rõ nguyên nhân và bị chậm do cơ quan nào cụ thể làm chậm.
"Chủ đầu tư khi có công văn trả lời báo chí phải nói rõ thiếu cái gì, cơ quan nào đã làm chậm, không nên nói chung chung và làm ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị", ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, ông sẽ cho kiểm tra thông tin về dự án và trả lời báo chí sau.
Cũng cần nhấn mạnh, Chính phủ đang có chủ trương đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, vì vậy, nếu doanh nghiệp dù "gấp rút" chuẩn bị hồ sơ nhưng dự án vẫn bị chậm thì phải nói rõ cơ quan nào làm chậm và cụ thể chậm nội dung gì.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện Luật đầu tư (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng: quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan; nguyên tắc liên thông, thực hiện đồng thời các thủ tục đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án đầu tư; thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận địa điểm; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; tăng cường hậu kiểm để bảo đảm quản lý nhà nước.
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...