TP.HCM đến năm 2045 sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Ảnh: Đình Sơn
Chiếc áo quá chật
Theo TS Trần Du Lịch, nhìn lại quá trình phát triển TP.HCM trong 20 năm gần đây sẽ thấy có nhiều vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một "siêu đô thị" cho đến nay không những không giải quyết được, mà ngày càng gay gắt hơn. Đó là cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa - kinh tế, nguồn nhân lực, tiềm năng khoa học - công nghệ...
Hạ tầng đang là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
TS Trần Du Lịch đưa ra một thực tế, từ giữa thập niên 1990, với định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng "đa trung tâm" với hệ thống giao thông kết nối theo đường vành đai 1, 2, 3, 4 gắn TP.HCM với cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam nhưng đến nay chưa hình thành trọn vẹn được 1 đường vành đai nào. Giao thông thế này thì đừng bao giờ nói chuyện liên kết vùng. Nếu không đột phá về hạ tầng thì TP.HCM sẽ bị bó và không phát triển được. Tư duy của TP.HCM là vùng đô thị và kinh tế vùng chứ không phải chỉ có riêng thành phố. Là một đô thị "loại đặc biệt" nhưng TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh. Do vậy, thách thức đối với sự phát triển TP.HCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. TP.HCM cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị.
Theo ông Trần Du Lịch, luật Tổ chức chính quyền địa phương, Điều 11, 12, 13 có 3 cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, thế nào là phân quyền, thế nào là ủy quyền nhưng trong các luật chuyên ngành thì không. Do đó, chúng ta cần rà lại những luật chuyên ngành liên quan, những gì cần phân cấp, những gì cần phân quyền, những gì cần ủy quyền cho TP.HCM trong từng lĩnh vực. Từ đó, TP.HCM hoàn toàn có thể năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm.
Để làm việc này, TS Trần Du Lịch đưa ra 2 hình thức. Một, ở mức thấp là thông qua Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị định. Hai, cao hơn là thành một nghị quyết để minh bạch, tạo được một không gian và khung pháp lý để TP.HCM phát huy được tính năng động, sáng tạo.
Lập quỹ liên vùng
Lãnh đạo các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đều mong muốn TP.HCM với vai trò là anh cả, đầu tàu cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng liên kết vùng.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực từ vốn ngân sách cho địa phương còn hạn chế, chưa có thể chế vùng nên hoạt động điều phối vùng không hiệu quả. Nên trong định hướng phát triển TP.HCM cần nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng theo hướng liên kết vùng, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố.
Theo đại diện tỉnh Bình Dương, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, có tác động lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Vì vậy, TP cần tranh thủ nguồn lực của các địa phương khác theo hướng liên kết vùng với 5 trục hành lang kinh tế kết nối về các hướng. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là hệ thống hạ tầng kết nối chưa được đồng bộ đã ảnh hưởng đến liên kết vùng, phát triển kinh tế của các địa phương. Điển hình như quốc lộ 13, vành đai 2, 3, 4 chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng chưa thật sự đầu tư đồng bộ để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn vùng. Tuyến quốc lộ 13 từ TP.HCM đến Bình Phước quy hoạch 6 làn xe, nhưng chỉ có đoạn Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe, đến TP.HCM lại tạo nút thắt.
Ngoài ra các tuyến sông, kênh rạch kết nối với sông Sài Gòn giao thông phát triển chưa tương xứng khi các cầu bắc qua sông tĩnh không hạn chế khiến lượng sà lan chở hàng qua gặp khó khăn. Do vậy cần ưu tiên đầu tư các đường vành đai, cao tốc đảm bảo kết nối với các tỉnh trong vùng. Để làm được điều này cần thu hút mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, trong đó có cả nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn tư nhân.
TP.HCM cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng liên kết vùng. Ảnh: Đình Sơn
Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất thành lập quỹ liên vùng để đầu tư hạ tầng vì sự phát triển chung của liên vùng. Quỹ này được kêu gọi từ các nguồn khác nhau và chỉ dành cho đầu tư hạ tầng của khu vực. Điển hình là tuyến đường ven biển từ TP.HCM đến Cà Mau hay tuyến đường liên vùng từ TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM nhận thức được rằng cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM. Đồng thời tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển thành phố trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, việc tổ chức hội thảo là một trong số nhiều giải pháp để TP.HCM lắng nghe các ý kiến, hiến kế của chuyên gia nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM, đưa TP.HCM hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Mục tiêu của TP.HCM đặt ra là đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. |
-
Hàng ngàn dự án nhà ở thương mại bị ách tắc sắp được "cứu"
UBND TP HCM vừa chỉ đạo các Sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung trình hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố theo 3 bước.
-
Gạch ốp lát “made in Vietnam” đứng TOP đầu thế giới về sản lượng, được Mỹ, châu Âu và cả ASEAN ráo riết săn đón
Các sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu...
-
Lời tiền tỷ khi mua “nhà Sài Gòn” cho con học đại học
Thay vì thuê trọ nhiều phụ huynh có con học đại học tại TP.HCM sẵn sàng mua căn hộ gần trường đảm bảo an ninh để con an tâm học hành, đồng thời là khoản tích sản giá trị cho tương lai.
-
Cư dân dự án Citiesto phấn khởi nhận bàn giao sổ hồng
Hơn 100 sổ hồng đã được bàn giao thêm cho cư dân dự án Citiesto (Khu đô thị Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM) trong tuần qua, nâng tổng số sổ hồng được bàn giao lên hơn 85%. Điều này càng thêm khẳng định uy tín của Kiến Á, một nhà phát triển luôn coi trọ...