Phát biểu tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Không có cảng này thì ĐBSCL sẽ mãi nghèo”.

Phối cảnh bến cảng Trần Đề

Siêu cảng giúp ĐBSCL thoát nghèo

Ngày 7/8, tại Sóc Trăng đã diễn ra Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề. Sự kiện do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, thảo luận về việc đầu tư cảng biển phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.

Báo Thanh Niên trích dẫn ý kiến của Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết hạn chế của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được coi vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra và trái cây.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tại hội thảo (ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên quy mô và năng lực vận tải đường thủy của khu vực còn thấp, chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn. Điều này dẫn đến thực trạng hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Đồng quan điểm, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể chỉ ra hàng hoá xuất nhập khẩu về vùng ĐBSCL đều trung chuyển qua TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi tấn hàng hoá xuất nhập khẩu phải chịu chi phí khoảng 10 USD. Đây là một trong những lí do dẫn đến vùng dần trở nên nghèo hơn so với bình quân cả nước và so với thế mạnh của vùng,

Ghi nhận của Tiền Phong, ông Thể cho rằng việc đầu tư cảng biển Trần Đề không chỉ tiết kiệm tối đa chi phí logistics bên cạnh đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân khu vực

“Không có cảng này thì ĐBSCL sẽ mãi nghèo, người dân không có việc làm, phải đi làm thuê, kéo theo nhiều bất ổn xã hội. Vì thế, Đảng, Nhà nước thấy cần thiết phải xây dựng một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL. Nếu đầu tư sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng tạo đột phá cho phát triển. Nếu làm chậm sẽ tiếp tục nghèo khó, phát sinh các vấn đề xã hội lớn", ông Thể cảnh báo.

Ông Thể cho rằng dự án cảng biển Trần Đề đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm qua. Theo ông Thể, bằng mọi biện pháp phải triển khai; dù đầu tư bao nhiêu cũng phải làm cảng biển Trần Đề.

Phương án thu hút vốn đầu tư siêu cảng 50.000 tỉ đồng

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 xác định nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải thời gian tới là là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Cảng biển Trần Đề được quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL với diện tích khoảng 550 ha, cầu cảng vượt biển dài 16 km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT... Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha.

Cảng Trần Đề được quy hoạch quy mô cảng loại đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL

Hiện nay Tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.

Dưới góc độ nhà đầu tư, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư đối với dự án “siêu cảng” này.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18km để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Trần Đề để dễ quản lý, mang lại hiệu quả đầu tư, giảm áp lực đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng logistics của cảng. Thời gian đầu tư của dự án là 70 năm để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.

“Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đối với các hoạt động liên quan đến cảng và các dịch vụ hậu cần để tăng sức cạnh tranh của cảng Trần Đề trên thị trường khu vực và quốc tế, tạo động lực thu hút đầu tư cảng Trần Đề”, ông Tuấn kiến nghị.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.