14/01/2019 4:33 PM
CafeLand – Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng nhập khẩu một cách ồ ạt, diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động trong việc siết chặt nhập khẩu phế liệu về Việt Nam.

Việt Nam có nguy cơ trở thành "bãi rác" của thế giới

Chỉ tính riêng trong tháng 11/2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi ra khoảng 180 triệu USD để nhập khẩu 500 nghìn tấn sắt, thép phế liệu nâng tổng khối lượng mặt hàng nhập khẩu này trong 11 tháng năm 2018 lên gần 5 triệu tấn, giá trị kim ngạch 1,76 tỷ USD (tăng 17,8% về lượng và tăng 41,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).

Mặc dù việc sử dụng sắt, thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và tiết kiệm chi phí, song theo tính toán, chỉ có khoảng 60 - 70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt, thép còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất, đưa đến hệ lụy lớn về môi trường. Hơn thế, sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện, như máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, tàu, thuyền, dây chuyền cũ... thì không chỉ phải thêm chi phí tháo dỡ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lẫn nhiều tạp chất, nhất là các hóa chất, dầu thải nguy hại.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 1/3 cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt, thép cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, qua một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan Hải quan phát hiện một số doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu nhưng không sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như chỉ đạo các cơ quan Hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật...

  • Cảnh báo tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam

    Cảnh báo tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam

    CafeLand - Năm 2016, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu là 2,7 triệu tấn thì năm 2017 là 5,2 triệu tấn; giấy phế liệu từ 338 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn; nhựa phế liệu từ 18 nghìn tấn lên 90 nghìn tấn. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu đã tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với với cả năm 2017.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.