21/04/2014 2:14 PM
Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng khẳng định "lo vậy là lo bò trắng răng" khi gói 50.000 tỷ đồng đang bị đặt dấu hỏi về năng lực tài chính thực sự và nghi ngờ đây chỉ là chiêu PR của ngân hàng.

Ngay sau khi chương trình liên kết 4 nhà trị giá 50.000 tỷ đồng được Ngân hàng Xây dựng (VNCB) công bố tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 25/3 đã vấp phải nhiều nghi ngờ và nghi vấn. Cụ thể: Nhiều ý kiến quan ngại về sự độc quyền trước sự xuất hiện của Tập đoàn Thiên Thanh khi là đơn vị trung gian, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD). Những ngân hàng có tiếng trong danh sách liên kết với VNCB “ngơ ngác” khi biết mình có tên trong chuỗi liên kết. Thậm chí, năng lực tài chính của VNCB cũng là dấu hỏi, ẩn số?...

Để làm rõ những vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi riêng với ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng VNCB bên lề Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng, tại Hà Nội.

Thưa ông, có nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản không đồng tình với việc phải mua VLXD tại “chợ” do Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức. Vậy nếu doanh nghiệp muốn tham gia vay gói 50.000 tỷ mà không mua VLXD tại “chợ” đó có được không?

Tất nhiên là được. Tuy nhiên, tôi cần nói rằng, Tập đoàn Thiên Thanh chỉ tổ chức chợ, còn việc mua bán là của đơn vị VLXD và nhà thầu tự thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua bán.

Có điều mua qua “chợ” đó nhà thầu được mua bán với số lượng bán xỉ. Thiên Thanh là người tổ chức chợ, giống như siêu thị, chứ không quyết định “rau” hay “thịt”. Đồng thời, Thiên Thanh cũng không tác động được gì vì còn có luật đầu tư xây dựng cơ bản, bởi nếu là vốn ngân sách còn phải đấu thầu, còn nếu là vốn tư nhân thì phải chào giá cạnh tranh chứ không chỉ định thầu.

Thiên Thanh chỉ là người tạo ra “chợ” để cho các đơn vị mua bán ở đó, chứ không sản xuất hay bán VLXD. Thiên Thanh không liên quan đến việc mua bán, đây là sự hiểu nhầm.

Đa phần các dự án BĐS dở dang chủ đầu tư đã phải thế chấp dự án để vay ngân hàng trước đây, nay muốn vay tiếp gói này họ phải làm gì khi không thể thế chấp dự án 2 lần ở 2 ngân hàng khác nhau?

Đây là câu chuyện thẩm định dự án. Tình huống này phải xem xét cụ thể từng dự án, đã vay bao nhiêu tiền trên tổng mức đầu tư dự án, thế chấp ở phần nào của công trình?

Đã là dự án BĐS và xây dựng thì không phải hàng công nghiệp mà là hàng thửa, “may đo” trực tiếp trên từng dự án nên phòng quản lý tín dụng phát triển sản phẩm sẽ tư vấn cụ thể tại từng dự án.

Ngay sau khi chương trình 50.000 tỷ được công bố tại TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều ngân hàng được cho là trong danh sách liên minh lên tiếng là không hề biết và chưa có ký kết gì với VNCB để tham gia. Ông nghĩ sao về việc này?

Chương trình tín dụng này là chương trình cho vay bình thường, do 1 Phó Tổng giám đốc quyết định chứ không cần xin ý kiến của HĐQT vì room này Ngân hàng Nhà nước đã cho phép rồi.

Ví như Ngân hàng BIDV có khoảng 300 sản phẩm, hỏi Tổng giám đốc có biết sản phẩm 50.000 tỷ không thì chắc chắn họ không biết vì không trực tiếp làm. Phải hỏi Phó Tổng giám đốc, phụ trách đúng mảng của khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp thì họ mới biết. Phải hỏi đúng địa chỉ.

Những dự án dở dang có thực sự được "hồi sinh" nếu vay gói 50.000 tỷ?

Gói 50.000 tỷ đồng là con số không nhỏ, trong khi dư luận đang có dấu hỏi về năng lực tài chính của VNCB, cho rằng đây chỉ là chiêu PR của ngân hàng. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Lo như vậy là lo bò trắng răng! Mọi người đã làm việc hộ cơ quan quản lý nhà nước rồi, bởi khi thẩm định tăng trưởng tín dụng đã căn cứ trên tất cả số liệu: huy động trên thị trường 1 và thị trường 2 là bao nhiêu? Hệ số an toàn là bao nhiêu?... Căn cứ trên đó, người ta quyết định tăng trưởng tín dụng cụ thể bao nhiêu trên tỉ lệ đó.

Ví dụ huy động 2 đồng thì chỉ cho vay 1 đồng thôi là an toàn. Ngành ngân hàng là ngành quản lý chặt chẽ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước đã thẩm định rồi. Vì thế, mới được cấp phép và cho tăng tưởng tín dụng.

Đã được cơ quan quản lý thẩm định rồi nên ngay từ đầu tôi đã khẳng định tăng trưởng trong room tín dụng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép. Có nghĩa đã được thẩm định năng lực của ngân hàng rồi.

Cho đến nay, đã có dự án nào được thẩm định hay giải ngân và quy mô như thế nào, thưa ông?

Ngân hàng đã thẩm định gần 250 dự án, một số dự án đã được giải ngân. Tiến độ giải ngân phụ thuộc vào quá trình phát triển dự án. Tiền chỉ giải ngân khi dự án triển khai, có khối lượng và công trình lên.

Về quy mô dự án rất khác nhau, có dự án chỉ vay 20 tỷ, nhưng cũng có dự án khi thẩm định đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ có đồng thời nhiều ngân hàng cùng tham gia cho vay, không chỉ mình Ngân hàng Xây dựng.

Vậy, các ngân hàng đã ký kết có cam kết số vốn nào chưa hay chỉ là hợp đồng nguyên tắc?

Hiện đã ký kết có con số, tuy nhiên chưa thể công bố. Song, tổng lượng nhiều hơn con số 50.000 tỷ rất nhiều.

Ngoài ra, đã có ngân hàng nước ngoài ký kết với chúng tôi với số lượng nhiều nhưng vì có điều khoản bảo mật nên không thể công bố.

Các ngân hàng hôm nay ký kết (Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đông Á – PV) chỉ là những NH đang triển khai rồi mới công bố, rất nhiều NH khác đang trao đổi cùng ký kết với VNCB nên sẽ công bố vào dịp khác.

Nguyễn Lê (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.