01/10/2020 10:56 AM
CafeLand - Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 (VRDF2020) vừa diễn ra, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đã khuyến nghị những giải pháp và hành động để doanh nghiệp Việt Nam vượt khó khăn, thách thức, chủ động giành cơ hội, phục hồi kiên cường và bền vững sau đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao thời “chiến tranh thương mại” và để phát huy hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam.

Trong đó, bà Thanh đưa ví dụ về câu chuyện điển hình của những doanh nghiệp “đi đúng hướng”, cần khuyến khích, nhân rộng:

Thứ nhất là câu chuyện của Tập đoàn Phúc Sinh. Phúc Sinh được mệnh danh “vua hồ tiêu”, là đơn vị xuất khẩu hồ tiêu chiếm thị phần cao nhất thế giới hiện nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều “đối thủ” bị lao đao, phá sản bởi dịch bệnh thì nhờ thương hiệu, uy tín đã xây dựng trước đó với các bạn hàng quốc tế, đơn hàng lại càng dồn về Phúc Sinh nhiều hơn. Đồng thời, tập đoàn này cũng đang nỗ lực để phát triển các dòng sản phẩm có thương hiệu trong nước, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao bởi đây vẫn là “khoảng trống” của sản phẩm Việt.

Phúc Sinh tập trung tối đa vào việc đẩy nhanh mọi quy trình giao hàng, cải thiện khâu đóng gói và cho ra đời nhiều sản phẩm vừa thẩm mỹ vừa tiện dụng, tổ chức lại chuỗi cung ứng để hạn chế phụ thuộc nguyên liệu và chủ động hơn trong các khâu chế biến, tăng cường kênh bán hàng trực tiếp trên online, ưu tiên tuyển dụng đội ngũ nhân sự quản lý cấp cao...

Đến nay, chủ doanh nghiệp Phúc Sinh tự tin chia sẻ rằng, doanh thu năm 2020 dự kiến sẽ đạt 250 triệu đô và cho biết thêm: “Trong Covid-19, điều tôi nghe hàng ngày là mọi người mất đơn hàng, mất việc, giảm lương, bị sa thải. Nhiều khách hàng của chúng tôi cũng không thể đến được văn phòng do lockdown và nhiều nhà máy tại Ấn Độ, Jordan.… gần như đóng cửa, thì chúng tôi vẫn còn được phép sản xuất, bán được hàng, nhân viên chúng tôi vẫn đi làm đủ và được nhận lương đầy đủ, thậm chí còn nhiều việc để làm hơn do nhu cầu đơn hàng xuất khẩu vẫn lớn.

Đó là sự may mắn lớn. Nhờ vậy mà tiêu thụ các mặt hàng của Phúc Sinh tại nội địa cũng tiếp tục phát triển, tiếp tục được mọi người ủng hộ. Trong dịch, tiếp tục ra mắt sản phẩm mới, được người thân, bè bạn, đồng nghiệp, người tiêu dùng đón nhận, chúng tôi giữ được gần 400 quản lý, cán bộ công nhân, trả lương đầy đủ đúng tháng và còn tiếp tục tuyển dụng. Không gì hạnh phúc hơn”.

Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của HOPE, nền tảng triển lãm trực truyến ngành gỗ và sự chủ động chuyển mình của các doanh nghiệp Việt.. Chuyển đổi số là xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp để tạo ra sự tăng trưởng có tính bứt phá ở nhiều ngành. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thậm chí đây là “lựa chọn duy nhất” để doanh nghiệp duy trì hoạt động vì các yêu cầu giãn cách xã hội và “đóng cửa biên giới” giữa các quốc gia khiến doanh nghiệp đặt biệt gặp khó khăn trong việc tiếp thị, quảng bá, giao dịch, bán hàng...

Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ từ chính các Hiệp hội lớn trong ngành gỗ và chế biến gỗ tại Việt Nam, doanh nghiệp ngành gỗ có năng lực chuyển đổi số thuộc diện thấp nhất so với nhiều ngành khác, tốc độ chuyển đổi và ứng dụng còn chậm, bao gồm cả trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau, trong các hoạt động kinh doanh cũng như trong việc đáp ứng các yêu cầu truy xuất...

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mở ra những cơ hội rất lớn cho mặt hàng gỗ từ Việt Nam để thay thế các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các FTA quan trọng như EVFTA cũng mang lại cho Việt Nam nhiều thời cơ mới. Tuy nhiên, để có thể mở rộng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam phải vượt qua được những thách thức với tốc độ nhanh nhưng lại cần đảm bảo yếu tố bền vững, hiệu quả.

Xuất phát từ những vấn đề chính yếu nêu trên, Hội chế biến gỗ và mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đã chủ động thảo luận cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BICA)... để xây dựng một chương trình hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ số, nhằm đẩy mạnh năng lực chuyển đổi số và giải quyết bài toán truy xuất nguồn gốc cho ngành gỗ, chế biến gỗ. Một trong các sản phẩm trọng tâm là HOPE, nền tảng triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm gỗ Việt.

Các doanh nghiệp tự tin rằng, với cách đi này, trong lúc cả thế giới vẫn khó khăn để đi lại, kết nối do dịch bệnh, thì các sản phẩm gỗ Việt vẫn có thể tiếp cận với mọi bạn hàng trên thế giới. Đây không chỉ đơn thuần là cải thiện mặt hạn chế của doanh nghiệp Việt mà còn là giải pháp “đi trước một bước” so với doanh nghiệp nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, HOPE đã hình thành, vận hành bước đầu tập trung vào các hoạt động B2B. Năm tiếp theo, HOPE sẽ được phát triển mở rộng với các chức năng B2C để cho phép doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp người mua cuối thông qua nền tảng trực tuyến.

Hồ Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.