30/08/2011 9:24 AM
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản sẽ là xu thế tất yếu. Nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Sẽ nở rộ làn sóng M&A dự án bất động sản

Ông Neil MacGregor, Phó tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang thực sự khan hiếm nguồn vốn, do vậy các NĐT đẩy mạnh việc tìm kiếm những nguồn tài chính mới.

Nếu như trước đây, các chủ đầu tư thường hạn chế phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính từ phía các ngân hàng, thì hiện tại, các dự án lại sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều lựa chọn giúp chủ đầu tư bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án mà không cần tới vay vốn từ ngân hàng nếu tìm được đối tác phù hợp. Những lựa chọn này bao gồm việc bán toàn bộ dự án cho bên thứ ba, tìm kiếm đối tác góp vốn, bán nhà ở với số lượng lớn, hoặc bán khu thương mại và văn phòng theo sàn. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam đang nắm giữ các quỹ đất lớn và có thể bán một phần cho các bên thứ cấp để huy động vốn xây dựng các dự án khác.

Mới đây, Quỹ đầu tư JSM Indochina cho biết vừa hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự án Peninsula với giá khoảng 228 tỷ đồng, cho Công ty Sao Sáng Saigon - đơn vị thành viên của Ngân hàng Nam Á.

Công ty Đầu tư địa ốc Khang An cũng vừa ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng 80% vốn góp dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. HCM cho đối tác Dacin Holdings của Singapore. Theo đó, Khang An ký hợp đồng liên doanh đầu tư dự án này với Dacin Holdings, trong đó đối tác Singapore nắm 80% vốn góp, Khang An 10% và một đối tác trong nước khác nắm giữ 10% còn lại.

Trước đó, Công ty Vạn Phát Hưng đã đầu tư vào dự án này với tỷ lệ góp vốn là 60%. Hồi đầu tháng 7/2011, Khang An đã mua lại phần vốn góp của Vạn Phát Hưng khi công ty này rút khỏi dự án.

Một vụ mua bán, sáp nhập dự án bất động sản khác cũng được chú ý là CapitaLand thông qua công ty con mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn với mức giá là 121,2 tỷ đồng. Số cổ phần còn lại do CTCP Quốc Cường Gia Lai (30%) và Công ty TNHH Gạch Đỏ (5%) sở hữu.

Đây là dự án nhà ở thứ tư của CapitaValue Homes, nâng tổng số căn hộ mà Capitaland đã và đang xây dựng tại châu Á lên con số 4.200 căn hộ. Tổng kinh phí ước tính của dự án là 906 tỷ đồng.

Tại thị trường phía Bắc, The Ascott Limited (Ascott), tập đoàn kinh doanh căn hộ dịch vụ với 100% vốn sở hữu của CapitaLand, vừa ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư với CTCP Đầu tư Thùy Dương để nắm giữ 90% cổ phần trong dự án căn hộ dịch vụ Somerset Central TD Hai Phong City, với giá 9,45 triệu USD.

Cách đó ít lâu, sự kiện CTCP Vincom chuyển nhượng phần vốn góp cho một cổ đông khác là CTCP Thành phố Mặt trời (Sun Group) tại dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đã tạo ra nhiều sự quan tâm trên thị trường bất động sản.

Savills Việt Nam cho biết, năm 2010, đơn vị này đã tư vấn và môi giới thành công nhiều giao dịch bất động sản với tổng trị giá hơn 100 triệu USD. Bên cạnh đó, theo thông tin của giới quan sát thị trường, hiện có nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình thương lượng và nếu các thương vụ này thành công, có thể có thêm nhiều dự án sẽ công bố chuyển nhượng vào cuối năm nay hoặc trong năm tới.

Ông Neil MacGregor nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất trong năm 2010 về cả số lượng và giá trị các giao dịch M&A. Trong những giao dịch này, không chỉ những chủ đầu tư nước ngoài với tiềm lực lớn về vốn như trước đây, mà NĐT phát triển bất động sản Việt Nam cũng khá năng động với vai trò là bên mua.

Ông Nguyễn Minh Dũng, chuyên gia kinh tế cho rằng, xu thế các DN mua bán, sáp nhập dự án là tất yếu khi kinh tế vĩ mô gặp khó khăn. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ phải nhượng lại dự án cho NĐT lớn. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, đa số dự án bất động sản từ trước đến nay đều được M&A theo hướng chuyển nhượng cho các chủ đầu tư nước ngoài, do họ có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm phát triển dự án.

Theo ông Dũng, vừa qua có một số đoàn DN Hồng Kông hay Nhật Bản cũng đã có những chuyến thăm quan các dự án bất động sản tại Việt Nam với mong muốn đầu tư hoặc mua lại các dự án tốt. Tuy nhiên, các khách hàng này rất khắt khe trong việc kiểm tra, đánh giá dự án, nên đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nào lọt vào tầm ngắm của họ.

Còn theo ông Neil MacGregor, mặc dù đối mặt với không ít rào cản như khung pháp lý chưa chặt chẽ, tính minh bạch của thị trường thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và chênh lệch trong kỳ vọng về giá cả, số lượng thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn được dự đoán sẽ tăng lên. Sự thiếu hụt nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng là một bất lợi trong lĩnh vực bất động sản, nhưng đây cũng là giai đoạn có nhiều cơ hội lớn cho những NĐT khác, đặc biệt là những NĐT có tiền mặt dồi dào.

Theo Duy Khánh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.