Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) nói rằng, biện pháp quan trọng nhất để chống đầu cơ bất động sản (BĐS) là phải làm tốt công tác dự báo, quy hoạch để cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Căn hộ chung cư cao cấp tại Q.7, TP.HCM dự đoán sẽ được người nước ngoài quan tâm - Ảnh: D.Đ.Minh

*thưa ông, Nghị quyết về việc cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam (có hiệu lực từ 1.1.2009) còn những vấn đề gì cần phải hướng dẫn?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

- Nghị quyết đã khá chi tiết về mặt thủ tục như thẩm quyền của các cơ quan như thế nào, hồ sơ gồm những gì..., tất cả đều được quy định cụ thể nên sẽ không khó khăn nhiều khi thực hiện. Dự kiến trong quý III/2008 sẽ hoàn thành dự thảo hướng dẫn để trình Thủ tướng. Cố gắng ban hành trước 1.1.2009 để khi nghị quyết có hiệu lực, có thể triển khai ngay. Quan điểm của chúng tôi sẽ chỉ gói gọn hướng dẫn trong nghị định, không ban hành thông tư.

* Nghị quyết quy định người nước ngoài đủ điều kiện sở hữu nhà được mua nhà ở dự án thương mại. Vậy, họ phải mua trực tiếp từ chủ đầu tư hay những người dân đã mua nhà chung cư có thể chuyển nhượng lại cho người nước ngoài?

- Đây là việc mới, có tác động nhiều mặt tới kinh tế, xã hội, an ninh... nên trước mắt phải làm thí điểm, hạn chế phạm vi, đối tượng để từng bước rút kinh nghiệm, điều chỉnh, thay đổi chính sách cho phù hợp. Nghị quyết chỉ quy định cho phép người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở thương mại chứ không quy định mua từ ai. Có nghĩa là người dân có căn hộ của dự án, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cho những người nước ngoài đủ điều kiện và ngược lại người nước ngoài cũng được phép nhận chuyển nhượng từ người dân trong trường hợp này.

* Thứ trưởng có dự báo gì cho thị trường BĐS từ nghị quyết này?

- Tác động của nghị quyết đối với thị trường BĐS nói chung và thị trường năm nay nói riêng chỉ ở mức độ vừa phải. Thứ nhất, thời gian cho đến thời điểm nghị quyết có hiệu lực chỉ còn nửa năm, rất ngắn để tạo một hiệu ứng nào đó. Thứ hai, đối tượng cho mua cũng hạn chế, chỉ dừng ở 5 loại đối tượng với khoảng 10.000 người. Ngoài ra, mỗi người chỉ được mua 1 căn hộ chung cư. Do đó, khả năng kích cầu chỉ có mức độ. Theo tôi, nghị quyết này chỉ là bước khởi đầu, sau này, nếu đối tượng được mở rộng, điều kiện mua thay đổi thì tác động tới thị trường có thể sẽ lớn hơn.

* Nhiều người lo lắng việc này sẽ làm tăng khả năng đầu cơ trên thị trường?

- Đầu cơ không chỉ có ở BĐS mà ở mọi lĩnh vực khác khi cung và cầu không cân bằng. Đầu cơ thường xảy ra khi cung thấp, cầu cao; do đó, quan trọng nhất trong việc chống đầu cơ là phải có dự báo, quy hoạch làm sao cân đối được cung - cầu, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trường hợp cung đủ nhưng vẫn có đầu cơ là do việc tung tin thất thiệt hoặc nếu các quy định của Nhà nước thiếu chặt chẽ. Trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà, tôi cho là quy định đã rất chặt chẽ nên rất khó xảy ra đầu cơ. Giả sử việc đầu cơ có xảy ra khi anh mua đi bán lại liên tục thì số lượng cũng rất thấp, khó ảnh hưởng tới bình diện chung. Hiện Chính phủ đang gấp rút cải cách thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư phát triển đô thị, hy vọng nguồn cung sẽ tăng lên. Ngoài ra, việc công khai thông tin về thị trường và quy định việc mua bán nhà đất phải thông qua sàn giao dịch sẽ làm cho giá cả ổn định và phản ánh đúng giá trị thực, hạn chế được đầu cơ.

* Chính sách nhà ở cho Việt kiều ra đời gần 8 năm song chỉ có hơn 100 người mua được nhà. Liệu chính sách nhà ở cho người nước ngoài có đi theo vết xe đổ đó?

- Nhà ở cho Việt kiều cũng là chính sách mới nên phải làm rất thận trọng, chặt chẽ. Ngoài ra cũng có chuyện, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước liên quan chưa được tốt nên số Việt kiều được mua nhà chưa nhiều. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, trong quá trình soạn thảo chính sách nhà ở cho người nước ngoài, chúng tôi đã tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan rất kỹ nên bản thân nghị quyết của Quốc hội đã khá chi tiết về mặt thủ tục. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, các quy định về cư trú, cấp phép và nhiều quy định khác cũng đã cải thiện rất nhiều so với cách đây 8 năm nên hy vọng sẽ không có vướng mắc gì nhiều.

Tôi cũng xin nói thêm, về chính sách nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ Xây dựng đang dự thảo sửa đổi, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 6 này. Các đối tượng được mở rộng hơn, quy định thủ tục thông thoáng hơn. Theo đó, hầu như tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài gần có đủ quyền mua và sở hữu nhà ở như người dân trong nước.

Cafelanf.vn theo Tin247.com

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland