Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư hai dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM.
Trong đó, những nội dung được đại biểu tranh luận nhiều nhất liên quan đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai tuyến đường vành đai và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô đi qua các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với chiều dài 113km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 86.000 tỉ đồng.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng.
Khai thác hiệu quả quỹ đất
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.
Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Cụ thể, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (ảnh Quochoi.vn)
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc hai dự án vành đai quan trọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.
Ông Vân đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại cho rằng, việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước quốc tế để tránh gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn.
Nguy cơ so bì giá đền bù
Theo Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội), cả hai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô đều tách dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình thành hai dự án độc lập. Việc phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Tuy nhiên, Đại biểu Thi lo ngại, việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, cần có sự thống nhất về xác định giá đền bù giải phóng mặt bằng giữa các địa phương vì hiện nay đã có sự chênh lớn giữa các địa phương trong việc thực hiện giá đền bù.
Trong khi đó, Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) kiến nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng.
-
Giao các địa phương tự đầu tư đường Vành đai 3, 4 vùng TP.HCM mở rộng
CafeLand - Đường Vành đai 3, 4 nối TP.HCM và các tỉnh lân cận vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phân các địa phương thực hiện.
-
Cây cầu gần 7.000 tỷ đồng trên đường Vành đai 3 TP.HCM hợp long nhịp đầu tiên
Theo kế hoạch, nhà thầu sẽ hợp long hai nhịp đầu tiên của cầu Nhơn Trạch trên đường Vành đai 3 từ ngày 12-15/9, đầu năm 2025 sẽ hợp long 2 đầu cầu và thông xe cầu vào ngày 30/4/2025.
-
Tin vui về nguồn vật liệu cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Ngày 1/4, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp nền cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.
-
"Chạy đua" tìm cát đắp nền đường Vành đai 3 TP.HCM hơn 75.000 tỷ đồng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương nơi có tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua khẩn trương xây dựng giải pháp phù hợp về nguồn vật đắp nền để tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công....