Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho hay, sẽ áp tiền phạt cao nếu tình trạng doanh nghiệp chậm nộp thuế diễn ra tràn lan.

Tại hội thảo lấy ý kiến Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2012 do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 23.3 vừa qua có nêu rõ, do thiếu chế tài đủ mạnh, xử lý một cách triệt để, kiên quyết đối với các trường hợp chưa thực hiện hoặc chậm nghĩa vụ tài chính đất đai cũng như sử dụng đất đai lãng phí, không hiệu quả đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được giao quản lý sử dụng đất.


Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; trường hợp cơ quan thuế đã có thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ bị phạt chậm nộp theo tỷ lệ % trên tổng số tiền phải nộp.


Đối với chậm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, thì mỗi ngày chậm nộp chịu phạt 0,05% tính trên số tiền sử dụng đất chậm nộp. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vẫn còn tương đối phổ biến; doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhiều trường hợp sẵn sàng chịu chấp nhận phạt chậm nộp để giữ đất, kéo dài thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai, chiếm dụng vốn của nhà nước.


Sẽ áp tiền phạt cao nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế?
Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đang nợ tiền sử dụng đất lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Mặc dù theo quy định của Luật Đất đai thì đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì thuộc diện phải thu hồi. Nhưng trên thực tế, việc thu hồi đất đối với các dự án này là rất phức tạp, khó khăn và thiếu những quy định cụ thể để có thể thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.


Trước tình trạng một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gần đây cho rằng thà chấp nhận bị phạt nợ thuế còn hơn đi vay lãi ngân hàng để nộp thuế, ông Cường cho hay, đúng là hiện nay nếu mặt bằng lãi suất cao như trước thì tiền phạt về nợ thuế còn thấp hơn lãi suất. Tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện 2 tình huống lãi suất giảm khiến nợ thuế cao hơn, đồng thời có chế tài phạt khi nợ đọng thuế. “Tất nhiên phạt phải cao mới có tính răn đe chứ phạt thấp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chây ì. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chỉ xảy ra trong một giai đoạn nhất định thôi, nếu xảy ra tràn lan thì chúng tôi lại phải tính đến việc áp tiền phạt cao hơn nữa”, ông Cường cho biết.


Một trong những giải pháp được Đề án trên đưa ra nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh như: thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS và có chế tài đăng ký biến động về giao dịch BĐS nhằm trách thất thu thuế. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường BĐS; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định việc đầu tư, vay vốn ngân hàng đối với các dự án phát triển nhà ở, đầu tư BĐS để đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Thực hiện tái cơ cấu hàng hóa BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở xã hội có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.