Ảnh minh họa.
Hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu, ông chủ bị tạm giam
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố thông tin về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cả ba công ty nói trên đều là các công ty chưa đại chúng.
Các công ty này đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về các đợt chào bán này.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo Quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có trách nhiệm công bố thông tin trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của HNX về việc hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu nêu trên.
Các công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil và Tập đoàn Tân Hoàng Minh có trách nhiệm chấp hành Quyết định này. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/04/2022.
Liên quan đến Tân Hoàng Minh, ngày 11/1/2022, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM).
Theo ông Đỗ Anh Dũng, sau đấu giá, doanh nghiệp đã suy nghĩ và lắng nghe dư luận xã hội, nhận thấy kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ luỵ không tốt. Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, phía doanh nghiệp thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
Ngoài ra, sau đấu giá, lãnh đạo doanh nghiệp đã cân đối đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá Tài sản của TPHCM.
Mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ uy tín của tập đoàn. Ông Đỗ Anh Dũng khẳng định chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định đấu giá tài sản công của pháp luật.
Trước đó, vào ngày 10/12/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng khu đất có diện tích hơn 10.000 m2 ở khu đô thị Thủ Thiêm, tạo ra kỷ lục mới với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm.
Vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng như một số trường hợp tại nhiều địa phương trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.
Trước thực trạng này, ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
Đến ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, 61 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 174, bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Có hay không tác động dây chuyền?
Hiện nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Theo báo cáo từ SSI Research, các doanh nghiệp bất động vẫn là nhóm huy động vốn từ phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường, tổng cộng 318.200 tỷ đồng trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Lãi suất trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này cao hơn các doanh nghiệp khác nhằm hấp dẫn người mua, bình quân khoảng 10,4%/năm.
Liên tiếp sự việc xảy ra đối với Tân Hoàng Minh từ việc bỏ cọc đấu giá lô đất Thủ Thiêm, đến 9 lô trái phiếu bị hủy của ba công ty con và ông chủ Tân Hoàng Minh bị bắt đã gây “rúng động” thị trường bất động sản. Lý do hủy 9 lô trái phiếu như đã được đề cập là vì “có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.
Đáng lưu ý, vi phạm của Tân Hoàng Minh không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, ngày 6/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cụ thể, Apec Group chào bán trái phiếu với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và các trái phiếu. Trong giai đoạn từ 18/1/2021 đến 6/8/2021, công ty này chào bán trái phiếu với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng ra công chúng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã buộc công ty thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán. Hoặc, tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp xử phạt có hiệu lực thi hành.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cũng bị cơ quan “chức năng” xử phạt là Tập đoàn VSETGroup. Theo đó, tập đoàn này cũng bị phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tập đoàn VSETGroup buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc.
Nhận định về việc Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, theo nhiều ý kiến, việc mập mờ trong công bố thông tin không loại trừ nghi vấn rất có thể doanh nghiệp sử dụng trái phiếu làm công cụ để đảo nợ, dùng tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước, tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ domino như đa cấp biến tướng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
“Thiết nghĩ, ban đầu, thị trường bất động sản sẽ có những bất ổn nhất định. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ cân nhắc, đắn đo việc đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho ý kiến, đồng thời nhấn mạnh chứng khoán và bất động sản là hai mảng rất lớn của nền kinh tế, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc siết chặt các quy định, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành của trái phiếu bất động sản đi vào nề nếp.
-
Mục sở thị khu đất vàng cạnh hồ Tây vừa về tay Tân Hoàng Minh sau nhiều năm “đắp chiếu”
Sau nhiều năm nằm đắp chiếu, khu đất 161 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), đối diện khách sạn Thắng Lợi vừa xuất hiện lớp hàng rào mới với biển tên Tân Hoàng Minh Group – Ngọc Linh.
-
2 khu đô thị quy mô hơn 100ha được đưa vào kế hoạch sử dụng đất 2025 quận Tây Hồ
Danh mục các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Tây Hồ bao gồm 89 dự án với tổng diện tích gần 349ha. Trong đó, nổi bật có 2 dự án khu đô thị quy mô hơn 100ha được phê duyệt....
-
Công ty chứng khoán chỉ ra những động lực có thể đưa VN-Index chạm mức 1.450 điểm vào cuối năm 2025
Trong báo cáo chiến lược năm 2025, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng, năm 2025 hứa hẹn sẽ mở ra các yếu tố hỗ trợ mạnh sau thời gian dài chờ đợi và kỳ vọng thay đổi, khi Việt Nam bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ ...
-
Hà Nội có thêm 2 khu công nghiệp quy mô hơn 300ha
UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1.2000 đối với 2 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, tổng diện tích quy hoạch hơn 300ha.