19/09/2015 8:41 PM
Đề cập tới tỷ giá trong lúc nó đang khá ổn định có lẽ là thừa và không cần thiết. Tuy nhiên, dự báo sự ổn định đó kéo dài trong bao lâu là câu chuyện khác.

Thời gian ổn định của các nền tỷ giá ngày càng ngắn lại, từ 18 tháng xuống 12 tháng, sáu tháng, bốn tháng, ba tháng. Ảnh: Minh Khuê

Hãy thử điểm lại các giai đoạn ổn định của tỷ giá kể từ tháng 2-2011, thời điểm tỷ giá hối đoái đã “nhảy” một bước hơn 9%. Sau này một quan chức cấp cao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhớ lại lúc ấy khi cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trình đề xuất điều chỉnh với mức trên, hầu hết các thành viên Chính phủ đã tỏ ra e ngại. Điều chỉnh 2-3%, hoặc mạnh hơn 4-5% đã là “quá lắm”, đây lại tới 9%. Nhưng cuối cùng mức 9% cũng được chấp nhận bởi nó đã tạo được một cái nền lâu dài cho tỷ giá.

Nền giá 20.803 đồng/đô la Mỹ cộng trừ biên độ 1% được duy trì từ cuối năm 2011 đến cuối tháng 6-2013, tức khoảng 18 tháng. Kế tiếp nền giá 21.036 đồng/đô la Mỹ cộng trừ 1% kéo dài 12 tháng từ tháng 7-2013 đến tháng 6-2014. Nền giá thứ ba 21.246 đồng/đô la Mỹ cộng trừ 1% từ cuối tháng 6-2014 đến đầu 2015 trong vòng hơn sáu tháng. Nền giá thứ tư 21.458 đồng/đô la Mỹ cộng trừ 1% từ ngày 7-1-2015 đến ngày 7-5-2015 đúng bốn tháng. Nền giá thứ năm và gần nhất 21.673 đồng/đô la Mỹ cộng trừ 1% có độ dài ba tháng từ đầu tháng 5-2015 đến ngày 12-8-2015. Từ ngày 19-8-2015 tỷ giá 21.889 đồng/đô la Mỹ cộng trừ biên độ 3% chính thức có hiệu lực cho đến nay.

Quan sát đầu tiên cho thấy gì? Thời gian ổn định của các nền tỷ giá ngày càng ngắn lại, từ 18 tháng xuống 12 tháng, sáu tháng, bốn tháng, ba tháng. NHNN tuyên bố sau lần điều chỉnh mới nhất sẽ không có thêm đợt điều chỉnh nào nữa cho đến hết năm nay, trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu đúng như vậy, thì nền tỷ giá thứ sáu sẽ kéo dài gần bốn tháng rưỡi.

"Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mà các quốc gia Đông Nam Á thu được là phải xây dựng kho dự trữ ngoại hối ngày càng vững mạnh thay vì chỉ hướng tới một mục đích ổn định tỷ giá trong một khung thời gian nhất định."

Từ cuối năm 2011 đến nay, trong khoảng bốn năm, đồng Việt Nam mất giá 1.086 đồng/đô la Mỹ, hay 5,22% tính trên nền giá cơ bản của NHNN không cộng trừ biên độ. Còn nếu tính biên độ với mức trần hiện tại 22.547 đồng/đô la Mỹ, tiền đồng giảm giá khoảng 7,3%, bình quân 1,83%/năm. Dựa trên độ biến động bình quân, rõ ràng tiền Việt là một đồng tiền mạnh lên so với các đồng tiền khác trong khu vực, thậm chí mạnh so với một số ngoại tệ phổ biến của thế giới.

Quan sát thứ hai từ biến động tỷ giá gần đây là lượng vốn huy động bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Người dân vẫn tìm đến đô la Mỹ làm tăng nhu cầu nắm giữ ngoại tệ mỗi khi tỷ giá thay đổi. Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, tháng 1 và tháng 5-2015 khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, lượng vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn tăng tương ứng 842 và 595 triệu đô la Mỹ, trong khi các tháng khác không ghi nhận sự tăng lên, thậm chí các tháng 2, 3, 4 còn ghi nhận giảm. Điều này chỉ ra tâm lý đám đông ở Việt Nam vẫn tồn tại trên diện rộng. Người ta không chú ý đến đô la Mỹ khi nó cứ mãi giẫm chân tại chỗ, nhưng người ta có thể đổ xô đi mua ít hoặc nhiều tùy khả năng mỗi khi tỷ giá chạy lên chạy xuống.

Kết thúc tuần trước tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh 22.480-22.490 đồng/đô la Mỹ, thấp hơn so với giá niêm yết bán ra của các tổ chức tín dụng là 22.505-22.510 đồng/đô la Mỹ. Cầu ngoại tệ không hề thấp hơn cung, nhưng được đáp ứng liên tục từ phía NHNN. NHNN đã giữ cam kết là người mua bán cuối cùng khi tiếp tục bán ra ngoại tệ cho những ngân hàng có trạng thái ngoại hối âm hơn 5%. Nguồn tin hành lang cho biết từ đầu tháng 8-2015 NHNN có thể đã bán ra tổng cộng 2-2,5 tỉ đô la Mỹ nhằm giữ cung cầu thị trường ở mức cân bằng. Trong trường hợp, giả sử, không mua được thêm ngoại tệ và với dự trữ ngoại hối 37 tỉ đô la Mỹ cộng 10 tấn vàng vào cuối tháng 7-2015, có thể dự trữ ngoại hối đã thay đổi ít nhiều, đâu đó còn tầm 35 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10,5 tuần nhập khẩu.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, ngưỡng an toàn cho dự trữ ngoại hối của một quốc gia là 12 tuần nhập khẩu. Mặc dù đã chuyển biến tích cực trong vòng ba năm qua, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khá mỏng và ở mức thấp nhất so với các nước khu vực. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mà các quốc gia Đông Nam Á thu được là phải xây dựng kho dự trữ ngoại hối ngày càng vững mạnh thay vì chỉ hướng tới một mục đích ổn định tỷ giá trong một khung thời gian nhất định.

Nhìn ra bên ngoài, tuần này là tuần thị trường tài chính thế giới chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) xung quanh việc liệu FED có tăng lãi suất. Ngay cả khi FED không tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 9, thì các cuộc họp sau vào các tháng 10, 11, 12 cũng rất gần. Ngân hàng Trung ương Anh quốc tuần trước đã phát tín hiệu tái khẳng định sẽ tăng lãi suất đồng bảng vào đầu năm 2016. Lãi suất các đồng tiền chủ chốt đã đứng ở mức thấp nhất trong lịch sử một thời gian rất dài trong khi các nền kinh tế phát triển đang được cải thiện. Đồng Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng của các diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế. Tỷ giá, vì thế, có thể vẫn là ẩn số vĩ mô trong tương lai gần.

Lưu Hảo (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.