18/09/2020 2:48 PM
CafeLand - Nhiều người trong chúng ta đang nghiên cứu những cách sửa chữa và nâng cấp cho ngôi nhà của mình trong năm 2020. Để việc này đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần vạch ra một kế hoạch cụ thể trước khi bắt tay vào thực hiện.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến của NerdWallet được thực hiện bởi The Harris Poll, khoảng 61% người dân Mỹ đã chi trung bình hơn 6.000 USD để thực hiện việc sửa chữa và nâng cấp cho ngôi nhà của mình kể từ tháng 3 năm nay.

Cho dù bạn định lắp đặt các thiết bị mới hay chỉ đơn giản là sửa chữa lại những nơi hỏng hóc của căn nhà, thì sáu bước dưới đây sẽ giúp bạn quản lý tốt hơn cho công việc này.

1. Xem xét những lợi ích mà bạn có thể thu được

Nếu bạn bỏ thời gian và công sức để làm một việc mà kết quả thu được khiến bạn hài lòng, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã có được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định bán nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có thể thu được nhiều hơn. Đôi khi, việc bạn bỏ ra hàng nghìn USD để cải tạo nhà cửa cũng không giúp giá trị của ngôi nhà tăng lên.

Ví dụ, khi bạn chi ra khoảng 50.000 USD để xây thêm một phòng tắm mới, nhưng bạn thường chỉ có thể thu lại khoảng 54% chi phí từ việc này, theo dữ liệu từ báo cáo Chi phí và Giá trị năm 2020 của Tạp chí Remodeling. Mặt khác, việc tu sửa nhà bếp có thể giúp bạn thu lại 78% giá trị mà bạn đã bỏ ra. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, bạn có thể nhờ sự tư vấn từ các đại lý bất động sản. Việc bạn thu lại được bao nhiêu cũng phụ thuộc vào nơi bạn đang sinh sống.

2. Lên kế hoạch chi tiêu

Chắc chắn bạn không muốn rơi vào cảnh hết sạch nguồn tiền khi đang thực hiện việc tu sửa nhà. Nếu không cẩn thận, bạn có thể phải chi tiêu nhiều hơn so với những gì bạn nghĩ.

Để tránh rơi vào tình trạng này, hãy tính toán các chi phí thật kỹ trước khi bắt đầu. Sau đó, bạn có thể cho phép tổng chi phí vượt quá 10-20% so với dự tính.

3. Chọn đơn vị thi công uy tín

Trong trường hợp bạn định thuê một chuyên gia, hãy kiểm tra thêm về các tài liệu tham khảo. Ít nhất, bạn cần đảm bảo rằng những người bạn thuê có chứng chỉ giấy phép hành nghề phù hợp. Bạn cũng có thể tìm hiểu về thông tin của họ trên nhiều nguồn tin uy tín khác nhau.

Một chuyên gia hoặc công ty xây dựng tốt sẽ đảm bảo về chất lượng và tiến độ thi công. Bên cạnh đó, nên cân nhắc xem khi có vấn đề xảy ra, bạn có thể khiếu nại hoặc giải quyết theo hướng nào. Đặc biệt, cần có những thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa hai bên.

4. Xin cấp giấy phép cải tạo và tu sửa nhà

Đây là thứ sẽ giúp bảo vệ ngôi nhà và sự an toàn của bạn. Nếu không có những phê duyệt cần thiết từ các cấp chính quyền thì việc cải tạo nhà ở nhiều khả năng sẽ không đáp ứng các quy chuẩn xây dựng của địa phương.

Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bán nhà của bạn trong tương lai. Vì vậy, trước khi thực hiện việc tu sửa, hãy đến các cơ quan chức năng và xin giấy phép hợp pháp.

5. Cân đối giữa giá cả - chất lượng

Bạn có thể trả hàng trăm hoặc hàng nghìn USD cho việc tu sửa nhà ở. Tiết kiệm là điều cần thiết, nhưng đừng vì thế mà sử dụng các dịch vụ hay vật liệu kém chất lượng.

Hãy nói chuyện với các đơn vị thi công về mong muốn giữa giá cả - chất lượng của bạn. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn các vật liệu có chất lượng tốt nhất, phù hợp với túi tiền của bản thân. Nếu không làm điều đó, bạn có thể gặp khó khăn giữa việc cân đối giá cả và chất lượng.

6. Tránh thay đổi ý tưởng và mua sắm dư thừa vật liệu

Trong quá trình sửa chữa nhà ở, một khi bạn có thêm những ý tưởng khác, sẽ rất khó để các đơn vị thi công có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của bạn. Bởi nếu làm như vậy, tiến độ thi công chắc chắn sẽ bị trì trệ, làm ảnh hưởng đến công việc của cả đôi bên.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế việc mua dư thừa vật liệu xây dựng vì giá bán của chúng trên thị trường là không hề rẻ. Sau tất cả, bạn cần lên kế hoạch kỹ lưỡng, xây dựng một bản vẽ cụ thể và tránh thay đổi trong trường hợp không cần thiết

Anh Nguyễn (MSN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.