26/06/2013 9:31 AM
Giá vàng miếng đang ở mức “đáy” thấp nhất hai năm trở lại đây, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng đang âm trạng thái vàng mua vào, khi mà hạn chót 30.6 phải tất toán đang đến gần.

Hãy cẩn trọng khi mua vàng những ngày cuối tháng 6. Ảnh: Kỳ Anh

Diễn biến khó lường của giá vàng thế giới những ngày gần đây liệu có làm giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới, hay vẫn chênh lệch cao; gần 40 tấn vàng sẽ nằm “chết” trong két hay chuyển thành vốn cho nền kinh tế… đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Thu hẹp khoảng cách giá: Khó đạt!

Với gần 10 năm nằm trong xu hướng tăng giá, vàng đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ. Giá vàng thế giới tháng 1.2003 khoảng 345USD/ounce thì đến đầu tháng 9.2011 đạt đỉnh 1.900USD/ounce, tăng gấp 5,5 lần.

Còn với giá vàng trong nước thì mức tăng còn lớn hơn. Giá vàng trong nước quy đổi tháng 1.2013 chỉ 6,3 triệu đồng/lượng, nhưng đến 23.8.2011 - khi giá vàng thế giới vượt đỉnh 1.900USD/ounce - giá vàng trong nước là 49 triệu đồng/lượng, tăng gần 8 lần sau 8 năm.

Sự tăng giá không ngừng của vàng trong 10 năm càng làm tăng tâm lý mua, nắm giữ vàng của người dân Việt Nam. Theo dõi của NHNN cho thấy, trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tấn vàng - tương đương với 4,4 tỉ USD.

Mãi lực lớn, thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới tạo ra một nghịch lý, nhưng vô cùng hợp lý của thị trường Việt Nam, chênh lệch giá vàng giao dịch trong nước và giá thế giới quy đổi tại cùng thời điểm. Có những thời điểm chênh lệch lên tới trên 6 triệu đồng/lượng.

NHNN được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường vàng và một mục tiêu của bình ổn thị trường là để “giá vàng trong nước không chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới”. Sau 34 phiên đấu thầu, hơn 33 tấn vàng được đấu giá thành công, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá quốc tế quy đổi gần 6 triệu đồng/lượng.

Theo giải trình của Thống đốc NHNN với Quốc hội, NHNN không nhanh chóng kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới nhằm hạn chế đầu cơ làm giá kiếm lời của giới đầu cơ vàng, kiềm chế hiện tượng vàng hóa. Khi hiện tượng đầu cơ vàng không có, thị trường vàng không ảnh hưởng lên thị trường ngoại hối, tỉ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế. Đây mới là mục tiêu tối thượng của NHNN đối với thị trường vàng.

Do vậy, sau ngày 30.6 kỳ vọng giá vàng trong nước được đưa về gần với giá vàng thế giới sẽ khó đạt được. Tuy nhiên sau thời điểm đó, mãi lực trên thị trường chắc chắn sẽ giảm đi nhiều do người mua chính là các TCTD đều phải tất toán trạng thái huy động vàng. Nhu cầu mua vàng sẽ chỉ từ phía DN, người dân muốn sở hữu vàng.

Mua vàng: Nên cân nhắc!

Trong bối cảnh giá vàng thế giới đang lao dốc không phanh thì nếu có nhu cầu mua vàng, chắc chắn người mua sẽ cân nhắc rất kỹ. Mua vàng khi giá vàng lao dốc sẽ thiệt hại lớn từ mất chi phí cơ hội, mất lãi suất tiền gửi và giá trị giảm dần. Vì vậy, khả năng cầu vàng trên thị trường sẽ giảm tương đối sau thời điểm 30.6. Lực cầu giảm và cung vẫn được đảm bảo từ NHNN sẽ có tác động kéo giá vàng trong nước đi xuống. Khả năng giá vàng trong nước sẽ tiệm cận dần với giá vàng thế giới.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về thị trường vàng, chênh lệch giá vàng sau thời điểm tất toán trạng thái sẽ giảm dần, nhưng cần thời gian nhất định. Có lẽ sẽ mất từ 1-2 tháng để chênh lệch này đạt được kỳ vọng của mọi người.

Đối với vàng miếng, Nhà nước nhiều lần khẳng định quyền hợp pháp của người dân trong sở hữu, trao đổi, mua-bán vàng miếng. Tuy nhiên, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, vì không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quan điểm này của Nhà nước đòi hỏi NHNN cần có phương án huy động nguồn vốn vàng cho đầu tư phát triển kinh tế. Gần 40 tấn vàng - tương đương 1,76 tỉ USD - nếu tiếp tục để “chết” trong két sắt của người dân sẽ lãng phí gấp 2 lần, vì NHNN vừa phải lấy dự trữ ngoại hối để điều tiết thị trường mà xã hội không được bổ sung vốn để kinh doanh, sản xuất.

Trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ban hành, đã có nhiều hội thảo về chủ đề huy động vàng được tổ chức. Có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó giải pháp lập sàn vàng giao dịch quốc gia được khá nhiều chuyên gia ủng hộ. Thực tế đã được triển khai tại nhiều quốc gia, từ nước phát triển cho đến quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc.

Thông qua sàn giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể huy động, chuyển hóa vàng thành nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Lập sàn vàng giao dịch được quản lý bởi sở giao dịch độc lập cũng sẽ giúp NHNN khỏi mang tiếng xấu là “độc quyền”, vốn phải chịu cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía dư luận trong suốt thời gian qua.

Hoàng Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.