Tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội dự kiến vận hành thương mại đoạn trên cao bắt đầu từ tháng 6/2024. Sau 15 năm triển khai, dự án nhiều lần chậm tiến độ và đội vốn đầu tư.

Metro Nhổn - ga Hà Nội sắp vận hành thương mại đoạn trên cao

Thông tin từ Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, theo kế hoạch dự án metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ vận hành thương mại đoạn trên cao từ tháng 6/2024.

Hiện nay, dự án thi công đạt khoảng 77,76% tổng khối lượng. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,65%, tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 37,25%.

Dự kiến, cuối tháng 4/2024, MRB sẽ hoàn thành công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km.

Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15 ha. Dự án được khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, dự án này liên tục phải điều chỉnh tiến độ cũng như tăng vốn đầu tư.

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội từ năm 2009 đến 2027.

Tổng đầu tư dự án cũng được điều chỉnh hơn 34.800 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách thành phố tăng gần 3.900 tỉ đồng, vốn vay ODA giảm gần 2.000 tỉ đồng.

Theo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội khu vực đô thị trung tâm gồm 9 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Trong 9 tuyến này, hiện chỉ mới có tuyến Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) đã được đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2022.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Trong nội dung tờ trình, UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên gần 35.590 tỉ đồng (tăng hơn 16.030 tỉ) so với tổng mức được phê duyệt năm 2008. Trong đó, vốn vay ODA sau điều chỉnh hơn 29.670 tỉ đồng, vốn đối ứng của Hà Nội hơn 5.910 tỉ đồng.

Về thời gian thực hiện dự án, UBND TP. Hà Nội đề xuất gia hạn đến năm 2031, cụ thể dự án sẽ vận hành trong năm 2029 và hai năm tiếp theo để đào tạo, bảo dưỡng.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.