Như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình:“Năm 2015 sẽ có khoảng 6-8 thương vụ sáp nhập”, đến nay, các cặp đôi ngân hàng “về chung một nhà” đã lần lượt lộ diện và hoàn thành sáp nhập. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém rất nhanh chóng, quyết liệt nhưng kết quả tái cơ cấu có “mỹ mãn” hay không, sẽ còn phụ thuộc vào ở những nỗ lực hậu M&A.
Sau hàng loạt các thương vụ sáp nhập, hợp nhất diễn ra từ cuối năm 2011 đến nay, cả hệ thống hiện chỉ còn hơn 30 ngân hàng. Trong đó, đã có 6 ngân hàng “lớn” hẳn lên về quy mô vốn, tài sản, mạng lưới… thông qua các cuộc M&A, đơn cử: Ngân hàng SCB, PVcombank, SHB, Vietinbank, BIDV, MaritimeBank. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là “đại phẫu” hệ thống ngân hàng theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, thu gọn chỉ còn 20 ngân hàng hiệu quả đang dần tới đích.
“Chạy” chỉ tiêu sáp nhập?
Chỉ riêng năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bìnhcho biết, sẽ có “khoảng 6-8 ngân hàng” sẽ tiếp tục sáp nhập theo đúng chủ trương của Đề án tái cơ cấu hệ thống. Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 3 thương vụ sáp nhập hoàn thành là Vietinbank – PGbank, BIDV – MHB, MaritimeBank –MekongBank . Đây là các cặp ngân hàng sáp nhập đã được đồn đoán từ lâu và đến khi được NHNN chấp thuận, việc sáp nhập đã diễn ra rất nhanh chóng.
Ngoài ra, đầu tháng 8 vừa qua, NHNN cũng đã chấp thuận về nguyên tắc cho cặp đôi thứ 4 sáp nhập là Sacombank và Phương Nam. Hai bên đang xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để xin NHNN chấp thuận chính thức, sau đó tiến hành ký kết hợp đồng sáp nhập, phát hành cổ phiếu hoán đổi, tăng vốn…
Như vậy, 5 tháng cuối năm 2015, NHNN sẽ vẫn còn xử lý tiếp từ 2-4 vụ sáp nhập nữa để giảm nhanh số lượng ngân hàng và đẩy nhanh tái cơ cấu ở giai đoạn nước rút.
Điều bất ngờ xảy ra là ngày 13 và 14/8, NHNN đã công bố sẽ tham gia hoặc cử người điều hành tại Ngân hàng Sacombank, Phương Nam, DongABank. Trong đó, NHNN sẽ nhận ủy quyền đối với toàn bộ cổ phần sở hữu của cổ đông Trầm Bê – Phó chủ tịch HĐQT Sacombank và nhóm người liên quan tại 2 ngân hàng trước và sau sáp nhập. Mặc dù NHNN đã chấp thuận nguyên tắc sáp nhập Sacombank- Phương Nam, song thực tế, Sacombank còn phải xem xét kỹ tình hình “sức khỏe” của Phương Nam để đi đến quyết định có sáp nhập hay không.
NHNN đẩy nhanh tiến độ sáp nhập, mua ngân hàng 0 đồng trong năm 2015
Còn tại DongABank, NHNN sẽ miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của DongABank, thay thế bằng các đại diện từ Ngân hàng BIDV trong công tác điều hành để đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi NHNN có kết luận thanh tra DongABank với nhiều sai phạm trong hoạt động tài chính, tín dụng, kinh doanh… gây thiệt hại vốn nhà nước. Trước đó, DongABank và AnBinhBank từng được dự đoán sẽ sáp nhập mà không có kết quả. Mới đây, nhà đầu tư –Tập đoàn Kinh Đô cũng rút lui, bỏ ý định mua 17% cổ phần để giúp DongABank tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng vì lo ngại “vấn đề tài chính”.
Liệu DongABank, Phương Nam có phải là trường hợp tiếp theo được NHNN chấp thuận sáp nhập hoặc bị xử lý mua 0 đồng hay không?
Không chỉ “lớn”, ngân hàng cần “khỏe”
Theo các chuyên gia, tái cơ cấu thông qua M&A là giải pháp tối ưu nhằm tinh gọn hệ thống ngân hàng. Nhưng, vấn đề quan trọng là ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất phải “khỏe” hơn thể hiện ở sự nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tài chính làm mạnh, chiến lược kinh doanh ổn định và bền vững…
Đối với các trường hợp đã hoàn thành sáp nhập, như: Vietinbank, BIDV, MaritimeBank, lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định, sẽ tận dụng những lợi thế sẵn có của đối tác sáp nhập để bổ sung những khiếm khuyết theo hướng phát triển toàn diện hơn.
Chia sẻ sau khi đặt bút kí hợp đồng sáp nhập, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank tin tưởng, ngân hàng sẽ có cơ hội lớn để phát triển hoạt động và kinh doanh khi tận dụng ưu thế của PGbank về cơ sở vật chất, nhân sự, mạng lưới, khách hàng, năng lực tài chính… Nhưng ông Thắng cũng dự liệu những công việc khó khăn phải thực hiện vì sáp nhập là giao dịch hết sức phức tạp, phải tập trung nguồn lực nhân sự và thời gian dài để tiếp tục triển khai và hoàn thiện các công việc ở giai đoạn chuyển giao. Sau đó, hai ngân hàng phải “đồng nhất” hoạt động để đem lại kết quả tốt nhất.
Thương vụ sáp nhập MaritimeBank- MekongBank cũng đã hoàn thành suôn sẻ khi ngày 12/8 vừa qua, MaritimeBank đã chính thức hoạt động với quy mô vốn mới 11.750 tỷ đồng, mở rộng hơn tài sản, nhân lực, mạng lưới…
Đại diện Maritime Bank chỉ rõ 3 điểm mấu chốt của thương vụ sáp nhập thành công là: sáp nhập tự nguyện và có nhiều điểm tương đồng, cộng hưởng lợi thế để phát triển toàn diện, tăng trưởng quy mô và tiềm lực tài chính.
“Sự kết hợp giữa Maritime Bank và MDB sẽ là một sự cộng hưởng đem lại nhiều triển vọng phát triển cho ngân hàng mới hình thành. Chẳng hạn, về mảng bán lẻ, MDB có lợi thế, kinh nghiệm và mạng lưới trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn ở phía Nam, điều này là “miếng ghép hoàn hảo nhất” cho MaritimeBank thâm nhập phân khúc này”- Đại diện ngân hàng khẳng định.
Mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng là làm sao ngân hàng sáp nhập không chỉ “lớn” (về quy mô, tài sản, mạng lưới…), mà cần phải “khỏe” (về tài chính, hiệu quả kinh doanh, quản trị rủi ro). Do vậy, dù sáp nhập suôn sẻ, nhưng ở giai đoạn hậu sáp nhập, mỗi ngân hàng vẫn phải đối diện với những thách thức, nhiệm vụ nặng nề, nhất là ổn định hệ thống, xử lý nợ xấu, nâng cao quản trị rủi ro, khắc phục yếu kém, sai phạm…
Ngân hàng có “khỏe” lên hay “yếu” đi, còn phụ thuộc những nỗ lực của ban điều hành ngân hàng, bộ phận kiểm soát rủi ro, cảnh báo. Đặc biệt là phương án xử lý phù hợp với đặc thù từng ngân hàng cùng quyết tâm cắt bỏ “khối u” trong hệ thống của NHNN!
Thu Hằng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.