Như VietNamNet đã đưa tin, hơn 100 hộ dân mặt đường La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án làm bãi đỗ xe và cây xanh (thuộc dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) đã treo băng rôn phản đối từ tháng 8/2017.
Sáng 26/2, các hộ dân tiếp tục phản đối việc UBND phường Ô Chợ Dừa cử lực lượng đi tháo dỡ băng rôn, biểu ngữ này và yêu cầu sớm được đối thoại với chính quyền để làm rõ những kiến nghị liên quan tới quyền lợi do bị thu hồi đất.
Đại diện các hộ dân, bà Phạm Thị Ngà (SN 1952, số nhà 369, Đê La Thành) cho hay, kể từ khi có thông tin về dự án, tâm lý người dân xáo trộn, việc buôn bán, kinh doanh bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào mời họp bàn để lấy ý kiến. Đặc biệt, thông tin người dân nắm được, lý do thu hồi đất làm bãi đỗ xe - cây xanh là 'đất xen kẹt' khiến bà con bức xúc”, bà Ngà cho hay.
Người dân muốn được đối thoại với chính quyền để làm rõ các vấn đề liên quan đến quyền lợi khi bị thu hồi
Bản vẽ chỉ giới dự án treo trên đường La Thành
Theo bà Ngà, gia đình bà về đây ở trước năm 1980, khi đó còn là làng, còn nhiều hộ khác ở từ năm 1974. Đất ở của các hộ gia đình được cấp bìa đỏ, khi làm nhà được cấp phép xây dựng thì không thể gọi đất xen kẹt được.
“Chúng tôi không phản đối dự án mở rộng đường vành đai 1 của TP. Nhiều hộ dân chúng tôi sẵn sàng bàn giao gần ½ diện tích. Tuy nhiên, chủ trương thu hồi hết phần diện tích đất còn lại của bà con để làm bãi đỗ xe và công viên, lại không được họp bàn nên chúng tôi muốn được đối thoại với TP”, một người dân cho biết.
Sáng 26/2, lực lượng chức năng phường Ô Chợ Dừa tổ chức ra quân thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự đô thị, tháo dỡ các vật dụng làm ảnh hưởng đến giao thông
Sẽ họp đối thoại với dân
Giải thích việc tháo dỡ băng rôn, biểu ngữ chăng trước cửa nhà dân vào sáng 26/2, Phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa Phạm Viết Cừ cho hay: đây là thực hiện kế hoạch công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn phường.
“Không riêng tuyến đường La Thành mà thực hiện ở tất cả các tuyến phố khác như Hào Nam, Hoàng Cầu... Băng rôn, biểu ngữ của bà con chăng ra sát mép đường ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và an toàn giao thông”, ông Cừ nói.
Trách nhiệm của phường là vận động, tuyên truyền người dân nắm được chủ trương của TP. Chúng tôi cũng nhận được nhiệm vụ của TP về việc triển khai các nội dung để chuẩn bị cho cuộc họp đối thoại với các hộ dân trong tháng Giêng (âm lịch - PV) năm nay.
Hôm 13/2, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 35 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch TP Nguyễn Quốc Hùng, trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Ban QLDA công trình dân dụng và công nghiệp; UBND quận Đống Đa chuẩn bị các nội dung theo thẩm quyền, nhiệm vụ liên quan tới dự án; giao Thanh tra TP tổng hợp các nội dung này, báo cáo TP trong tháng 2/2018 để làm cơ sở cho buổi đối thoại với các hộ dân vào thời gian tới.
Dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội trình UBND TP thẩm định, phê duyệt từ ngày 28/7/1999. Ngày 1/4/2016, UBND TP đã ra thông báo số 65 thống nhất phương án 2 do BQL các dự án trọng điểm phát triển Thủ đô trình lên, trong đó có phần bổ sung mở rộng diện tích “đất xen kẹt” để làm bãi đỗ xe - cây xanh đoạn từ Hoàng Cầu - Láng Hạ và dốc BV Phụ sản - Voi Phục. Ngày 4/5/2017, UBND TP ban hành quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 1 và Đê La Thành. Theo đó, tuyến đường có chiều dài 2,2km với mặt cắt ngang 50m, điểm đầu giao cắt với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.779,1 tỷ đồng từ nguồn vốn TP. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2017 đến năm 2020. Tổng số 2.044 hộ dân thuộc diện GPMB, trong đó quận Đống Đa 803 hộ (số hộ nằm giữa chỉ giới đường đỏ đường vành đai 1 và đường Đê La Thành là 139). |