21/02/2025 8:05 PM
Theo dự kiến, kết quả chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ có thể được công bố vào cuối quý 1/2025. Các công ty có lợi thế về quy mô và giá thành sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép (bị áp thuế chống bán phá giá).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, ngày 19/3/2024, cơ quan này đã nhận được hồ sơ yêu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Cụ thể, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép HRC từ Trung Quốc giảm mạnh.

Đến ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ 2 quốc gia này. Hiện vụ kiện này đang ở giữa bước 3, 4 và đang chờ kết quả điều tra sơ bộ từ Bộ Công Thương.

Ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Từ đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt và đạt 15,8% so với năm 2023, hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng dân dụng và hạ tầng.

Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng như tôn mạ, ống thép… duy trì tăng trưởng sản lượng, không chỉ từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận nhu cầu từ thị trường nước ngoài, với sản lượng tôn mạ xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở 46,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng HRC với 2 nhà sản xuất chính là Hòa Phát và Formosa ghi nhận sản lượng tương đương so với năm 2023. Nguyên nhân do sản lượng nội địa chiếm 62% tổng sản lượng, tuy nhiên gặp sức ép cạnh tranh từ HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định kết quả chống bán phá giá tạm thời có thể được công bố vào cuối quý 1/2025.

Theo đó, các công ty thép trong nước có lợi thế về quy mô và giá thành sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép (bị áp thuế chống bán phá giá).

Sắp công bố kết quả điều tra vụ kiện thép HRC giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc

Nhận định về mức thuế mới nhất 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump trong báo cáo mới đây, Vietcap cho biết, chính sách thuế quan mới mở rộng phạm vi áp thuế của Mục 232, áp dụng mức thuế 25% cho tất cả các quốc gia. Do đó, mức thuế đối với thép xuất khẩu của Việt Nam vẫn không đổi ở mức 25%.

Tuy nhiên, các quốc gia và vùng lãnh thổ trước đây được miễn thuế theo Mục 232 - bao gồm Argentina, Brazil, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh - hiện sẽ phải đối mặt với bất lợi về thuế.

Trong khi đó, đối với các nhà sản xuất thép Việt Nam, cụ thể là Hòa Phát và các công ty khác như Nam Kim, Hoa Sen và Tôn Đông Á…, chính sách này tạo ra cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ.

Vietcap nhận định thời điểm hiện tại, khi tất cả các nhà xuất khẩu thép phải đối mặt với cùng một mức thuế, các nhà sản xuất thép Việt Nam có được lợi thế. Dù vậy, dự kiến giá cả và khối lượng cạnh tranh cao hơn ở các thị trường ngoài Mỹ, vì các nhà sản xuất thép từ các quốc gia bị ảnh hưởng tìm kiếm các điểm đến thay thế.

Cụ thể, Vietcap cho rằng ảnh hưởng của việc áp thuế này sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam vì một số yếu tố.

Thứ nhất, biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép ở Mỹ, Canada và Mexico lần lượt đạt khoảng 13-15%, 20% và 20%. Do đó, thuế suất 25% là mức bảo hộ thương mại đáng kể để hạn chế xuất khẩu từ Canada và Mexico. Mặc dù điều này là tích cực đối với Việt Nam, nhưng nó tác động tiêu cực đến tổng nhu cầu thép của Mỹ và làm tăng chi phí cho người mua Mỹ.

Thứ hai, áp lực lên giá thép toàn cầu cũng sẽ tác động đến giá đầu vào. Kết hợp với dự báo nguồn cung quặng sắt và than sẽ tăng, điều này có thể giúp duy trì chênh lệch giá của các nhà sản xuất thép, trong trường hợp các nhà sản xuất này có thể đảm bảo đủ sản lượng bán hàng. Điều này là tích cực đối với các nhà sản xuất Việt Nam.

Thứ ba, hiện tại, khoảng 5-10% thép xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang Mexico và Canada, mà một số trong đó có thể liên quan đến việc trung chuyển hàng hóa. Với việc thuế quan mới tạo ra sự bình đẳng thương mại giữa Canada, Mexico và Việt Nam, các nhà xuất khẩu thép Việt Nam có thể chuyển hướng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ.

Do đó, dự kiến xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu sang Bắc Mỹ không thay đổi. Điều này có lợi cho Việt Nam do loại bỏ nhu cầu trung chuyển, hợp lý hóa hoạt động logistics và thương mại.

Thứ tư, Trung Quốc phải chịu thuế cao hơn (32,5-50% do áp dụng cả Mục 232 và Mục 301) so với Việt Nam (25%), do đó rủi ro Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hẹp chênh lệch từ xuất khẩu của Canada và Mexico sang Mỹ là hạn chế.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.