15/05/2023 6:42 PM
Sau khoảng thời gian hàng loạt thương hiệu thép liên tục điều chỉnh giảm giá bán nhằm giảm lượng tồn kho và thúc đẩy bán hàng. Tuy nhiên, gam "màu xám" vẫn tiếp tục bao phủ ngành sản xuất này.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ thép tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 với các chỉ số về sản xuất, tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu giảm mạnh.

Theo số liệu của VSA, trong tháng 4/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,2 triệu tấn, giảm 9,7% so với tháng 3 và giảm tới 26,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại trong giai đoạn đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 15% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất thép trong 4 tháng đầu năm 2023

Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm của cả nước đạt gần 8,9 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tiêu thụ thép thành phẩm ở mức 8,1 triệu tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm. Trong đó xuất khẩu đạt 2,3 triệu tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ thép quay đầu giảm mạnh trong tháng 4/2023

VSA cho rằng, thị trường bất động sản trì trệ cùng với chính sách thắt chặt tín dụng nên nhu cầu sử dụng các mặt hàng thép ở mức thấp. Thời gian tới, tình hình sản xuất dự kiến sẽ dẫn đầu sự phục hồi, nhưng lãi suất cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép.

Mới đây, Hòa Phát cũng vừa thông báo sản xuất được 525.000 tấn thép thô trong tháng 4/2023, giảm 29% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng hơn 19% so với tháng 3/2023. Trong khi đó, sản lượng bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 457.000 tấn, giảm 23% so với cùng kỳ.

Trong đó, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 239.000 tấn thép HRC, cao nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, mặt hàng thép xây dựng chỉ đạt hơn 214.000 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đóng góp 10%. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép hạ nguồn của Hòa Phát ghi nhận gần 49.000 tấn ống thép và 32.800 tấn tôn mạ các loại, tăng nhẹ so với tháng 4/2022.

Giá thép ở mức thấp nhưng các doanh nghiệp vẫn khó bán

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, tiêu thụ mặt hàng thép xây dựng “đứng im” chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức thấp so với năm trước, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.

Lũy kế 4 tháng năm 2023, doanh nghiệp thép đầu ngành này đã sản xuất gần 1,8 triệu tấn thép thô, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, HRC đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 34% so với 4 tháng đầu năm 2022.

Trong đó, thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 34%. Bán hàng thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận 721.000 tấn, giảm 29%. Các sản phẩm ống thép và tôn mạ đã cung cấp cho thị trường lần lượt đạt 209.000 tấn và 102.000 tấn, giảm tương ứng 20% và 25% so với giai đoạn cùng kỳ đầu năm 2022.

Trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã có 5 lần giảm giá bán liên tiếp từ đầu năm.

Mới đây nhất, ngày 10/5, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 15,29 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên giá bán ở mức 14,9 triệu đồng/tấn.

VSA cho rằng, ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm tiếp trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.